Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: Góp phần giữ chân cán bộ, công chức, viên chức Y bác sĩ, giáo viên mong tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023
Cán bộ, nhân viên y tế hy vọng được tăng phụ cấp nghề, nâng hệ số lương
Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế cần bảo đảm, tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Ảnh: Hải Nguyễn

Lương thấp, việc nhiều

Phóng viên Báo Lao Động đã nhận được nhiều chia sẻ của nhân viên y tế đã và đang bám trụ hệ thống bệnh viện công lập về những vất vả, áp lực khi làm việc trong khi mức lương, hệ số lương thiệt thòi hơn so với các cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành khác.

Gần 30 năm công tác trong một bệnh viện lớn tại Hà Nội, nữ điều dưỡng N.T. P hiện đang hưởng hệ số lương là 3,26 tương ứng với số tiền lương cơ bản được nhận là hơn 4 triệu đồng. Tổng thu nhập đã bao gồm các khoản phụ cấp của nữ điều dưỡng là 9,6 triệu đồng/tháng.

“Gia đình 3 người sống ở thành phố với tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện lắm mới đủ. Tôi may mắn hơn vì được bố mẹ, anh em giúp đỡ lúc khó khăn. Ở bệnh viện tôi, không ít người mang thực phẩm như trứng, gà, rau... để bán cho các đồng nghiệp cải thiện thu nhập” - bà P cho hay.

Theo bà P, đã làm ở bệnh viện công thì không cần biết hết giờ trực hay không, bắt buộc phải hoàn thành xong công việc trong ca trực để bàn giao. Nếu làm chưa xong thì không được về, dù trước đó đã thức trắng đêm để chăm sóc bệnh nhân.

“Chúng tôi nhận được 110.000 đồng cho một ngày trực thường, còn rơi vào thứ bảy và chủ nhật thì được 140.000 đồng. Nếu làm quá giờ cũng không được tính thêm tiền”, bà P cho hay. Không chỉ vậy, công việc ở bệnh viện nhiều khiến bà P luôn trong trạng thái bận rộn, không thể làm thêm các công việc khác để cải thiện thu nhập.

Tương tự, bác sĩ Tiến Anh làm việc ở một bệnh viện tại Nghệ An cũng chia sẻ, đa số các nhân viên y tế trong hệ thống công lập sẽ trải qua việc làm quá giờ.

“Có những ngày bệnh nhân đông, nhân lực không đủ, công việc thì nhiều. Ngoài việc khám chữa bệnh, chúng tôi còn phải làm các công việc hành chính, giấy tờ. Có những hôm trực xong, bệnh nhân có vấn đề chúng tôi phải ở lại làm thủ thuật và theo dõi bệnh nhân”, vị bác sĩ tâm sự.

Hy vọng được tăng phụ cấp nghề, hệ số lương

Còn đối với những cán bộ, nhân viên y tế cơ sở như bác sĩ Phan Văn Chuyên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Chung, mức phụ cấp nghề thấp hơn so với các bệnh viện tuyến Trung ương.

Hiện tại, trạm y tế Kim Chung có 9 nhân viên, đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn. Tại trạm y tế này, lương của nhân viên mới vào chỉ ở mức 2 triệu đồng/tháng; những nhân viên có thời gian làm việc từ 5-10 năm khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng; người có mức thu nhập cao nhất là 11 triệu đồng/tháng với 30 năm làm việc.

Theo ông Chuyên, việc tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, người lao động ở khu vực công là rất cần thiết. Tuy nhiên, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên, y tế nói chung và đặc biệt là cán bộ, nhân viên y tế cơ sở là hy vọng, hệ số lương được tăng giống như hệ số lương của lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Theo Lương Hạnh/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/can-bo-nhan-vien-y-te-hy-vong-duoc-tang-phu-cap-nghe-nang-he-so-luong-1107783.ldo