Dịch vụ cho thuê xe tự lái đắt hàng dịp lễ 30/4 - 1/5 Cần sớm đưa ra giải pháp quản lý thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp với thông lệ quốc tế Đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thức uống đại mạch Cân nhắc giải pháp áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn

Đã triển khai nhiều hành động cụ thể

Triển khai các hành động của BEPS (tổ chức chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận), ngày 9/7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu).

Trụ cột thứ nhất là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số (phân bổ lại quyền đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia giữa nơi đặt trụ sở chính và nơi hoạt động kinh doanh và phát sinh thu nhập). Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế thu nhập.

Theo Bộ Tài chính, ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số. Đến ngày 16/12/2022, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã công bố có 138 nước đồng thuận (không phản đối) đối với nội dung về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số mà OECD đưa ra ngày 8/10/2021 nêu trên.

Việt Nam là thành viên thứ 100 của BEPS và không có ý kiến bảo lưu về nội dung này, nên là một trong những nước đồng thuận. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên Diễn dàn hợp tác chung (IF).

Cần có lộ trình hoàn thiện chính sách để ứng phó Thuế tối thiểu toàn cầu
Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế thu nhập. (Ảnh minh họa: BT)

Để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD, Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 4/8/2022 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng và Quyết định số 22/QĐ-TCTĐB ngày 14/4/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt này do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.

Từ tháng 2 năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì các cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu. Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 33/BC-BTC ngày 17/3/2023 và Báo cáo số 55/BC-BTC ngày 12/4/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về Thuế suất tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2).

Ngày 18/4/2023, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị các giải pháp cho Việt Nam và đã phát hành thông tin báo chí số 18 về Hội thảo thuế tối thiểu toàn cầu. Ngày 24/4/2023, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Lộ trình hoàn thiện chính sách

Bộ Tài chính thông tin, hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành có liên quan đề xuất giải pháp chủ động ứng phó với tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể, đối với biện pháp Bổ sung quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15% - theo quy định nội luật hoá Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024) và áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Để hạn chế tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Để đưa ra những giải pháp ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu nêu trên, Bộ Tài chính đã căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị có nêu: “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế;...”

Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 có nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư như sau: “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã rà soát các Điều ước quốc tế, các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết để đảm bảo những giải pháp ứng phó phù hợp với các Điều ước quốc tế và Hiệp định nêu trên.

Bảo Thoa