Luật hóa tiền đặt cọc, liệu có bị chiếm dụng vốn? Thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản Luật Đất đai sửa đổi nếu không bảo vệ tốt hơn quyền lợi người dân thì chưa vội ban hành

Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện nay đang có “xung đột” về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

Cụ thể, pháp luật nhà ở thừa nhận người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở nhưng pháp luật đất đai lại không thừa nhận người nước ngoài có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Ngoài ra, Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án nhà ở; Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo pháp luật về nhà ở...

Cân nhắc bổ sung quyền sử dụng đất của người nước ngoài
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do VCCI phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tuy nhiên, Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 cũng như Điều 6 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không thống kê “người nước ngoài” thuộc đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Như vậy, ông Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, các cá nhân nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở trong dự án thông qua các giao dịch nhưng lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất, trái nguyên tắc tại Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: “Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.

“Nếu cá nhân nước ngoài mua nhà ở thương mại trong dự án nhà ở theo Điều 159 Luật Nhà ở, do không có quyền sử dụng đất nên giao dịch mua bán nhà ở này không ‘gắn với quyền sử dụng đất’ như Luật Kinh doanh bất động sản quy định. Nếu chủ sở hữu bán lại nhà ở này (chẳng hạn cho người Việt Nam) thì giao dịch mua bán này liệu có ‘gắn với quyền sử dụng đất’ hay không”, ông Nguyễn Văn Đỉnh băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh phân tích, về mặt logic, người bán (người nước ngoài) không có quyền sử dụng đất thì đương nhiên người mua cũng không có quyền sử dụng đất bởi không được nhận chuyển giao quyền này từ người bán. Điều này dẫn đến người Việt Nam mua nhà ở của người nước ngoài chịu quy chế pháp lý như người nước ngoài, họ chỉ có quyền sở hữu nhà ở mà không gắn với quyền sử dụng đất.

Được biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cho thấy cần phải sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.