Cơ hội cho nông sản vươn xa Hiệu quả từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hàng rào thương mại: Cần chấp nhận luật chơi để lớn mạnh

Tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, ông Vũ Văn Hoà, chủ một vựa bưởi Diễn cho hay, đến nay bưởi trong vườn đã bán hết sạch. Mọi năm bưởi sẽ được thu hoạch vào tháng 11 nhưng năm nay là năm nhuận nên đã được gia đình thu hoạch vào tháng 12, chủ yếu bán cho thương lái.

Giá mỗi quả bưởi bán cho thương lái tại vườn khoảng 40 nghìn đồng/quả, bán lẻ từ 50 - 60 nghìn đồng. Vụ Tết gia đình ông Hòa thu được gần 300 triệu đồng. “Năm nay hết hàng, đến thời điểm này cũng chính thức “cháy hàng””, ông Hòa vui mừng cho biết.

Cận Tết, nông sản sạch hút khách
Bưởi Diễn được tiêu thụ hết tại vườn từ trước Tết.

Toàn phường Phúc Diễn có khoảng 60ha trồng bưởi. Hiện nay, bưởi Diễn được coi là loại cây có giá trị kinh tế cao hàng đầu trong các loại cây ăn quả. Giá bưởi trung bình từ 50 nghìn đồng/quả, thậm chí nhiều hộ bán bưởi đặc sản loại 1 với giá 70 - 80 nghìn đồng/quả.

Mỗi ngày cho ra thị trường trung bình từ 1-2 tạ rau các loại, gia đình anh Nguyễn Đăng Quý (Hợp tác xã rau Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) có hơn 20 loại rau OCOP. Anh Quý vui mừng cho biết, tính đến ngày 6/2/2024 (tức ngày 27 Tết), rau của gia đình anh đã chính thức “cháy hàng”.

Theo anh Quý, năm nay do trời rét nên vụ rau kéo dài hơn mọi năm mới có thể thu hoạch cho nên lượng rau cũng không tăng so với mọi năm. Tuy nhiên, theo anh Quý nhận định, do nhu cầu tiêu thụ rau hữu cơ của người dân tăng lên nên lượng rau đã được bán hết trước Tết.

Cận Tết, nông sản sạch hút khách
Sản phẩm rau hữu cơ nhà anh Đặng Văn Quý.

“Dù là bán cho siêu thị, thương lái, bán online, bán lẻ, đến nay đều đã không còn hàng. Chúng tôi rất phấn khởi bởi năm nay các hộ đều sản xuất cầm chừng vì sợ không tiêu thụ hết. Giá rau năm nay cũng không tăng so với năm trước, nhưng bán hết là rất mừng”, anh Quý cho hay.

Chia sẻ về tình hình tiêu thụ nông sản tại địa phương, ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay, năm nay tình hình tiêu thụ nông sản tương đối khả quan, đa số diện tích trồng rau, củ, quả trên địa bàn là sản phẩm sạch nên tiêu thụ cũng dễ dàng hơn các loại rau khác.

Loại nông sản được tiêu thụ mạnh nhất là bưởi Tôm vàng, cuối tháng 12 đã được bán hết cho các siêu thị, thương lái. Còn các loại nông sản khác như nho, rau OCOP cũng đều tiêu thụ tốt.

Trước đó, để giúp người dân định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, không xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là vụ rau đông, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã định hướng phát triển cây trồng phù hợp, làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.

Cận Tết, nông sản sạch hút khách
Huyện Thanh Trì hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện thương mại.

Theo đó, hội nông dân các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân trồng đa dạng chủng loại rau, rải vụ đối với rau màu nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, củ, quả… tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn trên thị trường.

Còn ông Bùi Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cho biết, đến thời điểm này tình hình tiêu thụ rau, củ, quả và các loại nông sản trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn ổn định. Riêng sản phẩm rau, củ bán tốt hơn so với các loại nông sản khác. Đào, quất bán chậm hơn mọi năm.

Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản dịp Tết, từ trước Tết, Hội Nông dân huyện Thanh Trì đã có kế hoạch hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ nông sản, sự kiện, hội chợ du lịch giới thiệu sản phẩm OCOP, quảng bá thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị,... Lưu ý các hợp tác xã thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm; sản xuất căn cứ nhu cầu tiêu dùng thực tế, không sản xuất ồ ạt, tự phát, tăng giá trị cây rau đến với người tiêu dùng.

Cận Tết, nông sản sạch hút khách
Tình hình tiêu thụ nông sản tại Đan Phượng khả quan.

Tại Hà Nội, ước tính lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết): gạo 292,95 nghìn tấn; thịt lợn 58,5 nghìn tấn, thịt gia cầm 19,5 nghìn tấn, thịt bò 16,2 nghìn tấn, trứng gia cầm 390 triệu quả, rau củ 325,5 nghìn tấn; trái cây 157 nghìn tấn. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 40,9 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết 2023).

Theo dự báo, trong các tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn Hà Nội khoảng 100 nghìn tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vụ đông năm 2023-2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.512ha rau, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây và nhiều loại cây trồng khác.

Bảo Thoa