Cơ hội cho người tiêu dùng TP.HCM "săn" hàng đặc sản các vùng miền Hiệu quả từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao Xuất khẩu gạo ước đạt 3,66 tỉ USD trong 9 tháng năm 2023

Phát huy lợi thế địa phương

Những năm qua, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Thạch Thất đang tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, huyện tập trung xây dựng những vùng nông nghiệp sinh thái, an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao.

Cơ hội cho nông sản vươn xa
Trong vài năm trở lại đây, nông dân huyện Thạch Thất đã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, hoặc nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Thạch Thất đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, nông dân huyện Thạch Thất đã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm (rau, hoa ngắn ngày), cây lâu năm (bưởi, nho, mít, ổi…), hoặc nuôi trồng thủy sản, vừa giúp giải quyết được tình trạng bỏ ruộng không gieo trồng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa

Tại các xã Đại Đồng, Phú Kim, Dị Nậu..., nông dân chuyển đổi sang trồng rau, hoa cho thu nhập từ 250 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Còn các xã Yên Bình, Lại Thượng, Kim Quan, Bình Yên, Yên Trung... chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập từ 350 đến 450 triệu đồng/ha/năm.

Điển hình là diện tích trồng thử nghiệm nho sữa ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín, trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động của anh Nguyễn Ngọc Quang, ở thôn Ngoại Thôn, xã Phú Kim trên diện tích 5 sào, cho thu nhập 400 triệu đồng/mô hình/năm…

Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất còn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung, xa khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đến nay, toàn huyện có 106 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn, trong đó có 21 cơ sở chăn nuôi trâu, bò với quy mô 30-100 con; 25 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 50-10.000 con; 60 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 2.000-60.000 con…

Nâng cao giá trị nông sản

Những năm qua, để hình thành các mô hình nông nghiệp giá trị cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Thạch Thất được triển khai mạnh mẽ. Huyện sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung...; vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha ở các xã Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng; vùng trồng hoa, cây cảnh 50ha tại các xã Đại Đồng, Yên Bình, Hương Ngải…

Huyện cũng khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản, từ đó hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đã đạt 91 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị nông sản; mở rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, VietGAP, hữu cơ…, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân.

Là một trong những chủ thể tham gia sản phẩm OCOP của huyện, ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) cho biết: Từ năm 2019, hợp tác xã đã đăng ký với huyện, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa.

Tính đến nay, hợp tác xã đã có 5 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao do Hội đồng cấp thành phố đánh giá, công nhận. Tất cả các sản phẩm của hợp tác xã đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Sau khi sản phẩm rau lá, củ, quả của hợp tác xã được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, số lượng khách hàng đến với chúng tôi ngày một nhiều. Thị trường tiêu thụ theo chuỗi ở các siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn các quận, huyện của thành phố cũng theo đó mà tăng lên. Sản lượng sản xuất ra cũng cao hơn.

"Nếu như năm 2019, chúng tôi chỉ sản xuất và tiêu thụ được 5 - 7 tạ/1 ngày các loại rau, củ quả, thì đến năm 2020, chúng tôi đã sản xuất, tiêu thụ từ 7 - 9 tạ/ngày với giá giao động từ 9.000 - 20.000 đồng/kg. Doanh thu của hợp tác xã đạt từ 18 - 20 tỷ đồng/năm. Năm 2023, nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi dự sẽ kiến sản xuất tăng trưởng 10- 15%”, ông Ban cho biết.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2025, huyện Thạch Thất sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 5 sao và tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội.