Cơ hội cho người tiêu dùng TP.HCM "săn" hàng đặc sản các vùng miền
Phát biểu tại chương trình, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thông qua chương trình, TP.HCM không chỉ kỳ vọng sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền sẽ được giới thiệu, quảng bá và thúc đẩy kết nối cung cầu, tiếp cận trực tiếp nhà phân phối và người tiêu dùng trong nước và quốc tế địa bàn TP.HCM mà còn mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trao đổi học tập nâng cao sản phẩm từ 3 sao lên 4 - 5 sao và hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra các nước.
Ông Châu cho rằng, để thực hiện các mục tiêu trên, các đơn vị cần phải tạo thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, kết nối tiêu thụ và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó, TP.HCM đã giao các đơn vị tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP; trong đó các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải cùng xây dựng giải pháp đồng hành, hỗ trợ các chủ thể OCOP; thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP theo hướng hoàn thiện quy trình, kết nối cung cầu, phát triển thị trường và chuỗi cung ứng bền vững.
Lãnh đạo TP.HCM tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại chương trình. |
Ông Châu khẳng định, Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 sẽ gặt hái nhiều thành công tốt đẹp, hiệu quả, thiết thực và đáp ứng được các tiêu chí của các đơn vị phân phối và nhất là đáp ứng được nhu cầu, lòng tin của khách đến tham quan và mua sắm.
Được biết, chương trình có sự tham gia của 439 doanh nghiệp, Hợp tác xã với gần 1.200 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm OCOP có 756 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, riêng sản phẩm OCOP 5 sao có 5 tỉnh tham gia (Bến Tre, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Định và Khánh Hòa).
Tại sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động bên lề, như: hội nghị kết nối cung cầu đặc sản vùng, miền và sản phẩm OCOP (tương tác trực tiếp, trao đổi và kết nối thông tin, hợp tác giữa các nhà phân phối, bán lẻ, doanh nghiệp thương mại điện tử và nhà cung cấp từ các tỉnh, thành có nhu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối tại TP.HCM).
Ngoài ra, còn có hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh và xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật và xây dựng các chuỗi liên kết chuỗi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm).
Hơn 439 doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm OCOP tại chương trình. |
Tham dự chương trình, anh Phùng Hùng, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH hạt điều Hoàng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết, thông qua Tuần lễ sản phẩm OCOP, anh mong muốn những sản phẩm làm từ hạt điều của Bình Phước có thể đến với người dân TP.HCM và cả nước.
"Bình Phước có vùng nguyên liệu hạt điều rộng lớn, chúng tôi đang tập trung xây dựng các sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng những tiêu chí khắt khe của người tiêu dùng", anh Hùng cho biết.
Anh Hùng cho biết thêm, sản phẩm hạt điều của đơn vị đang được chứng nhận OCOP 1 sao, do đó, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng các chứng nhận OCOP 3 - 4 sao.
Chương trình có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ các tỉnh thành trên cả nước. |
Là một doanh nghiệp từ Quảng Ngãi, anh Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Phú Sinh cho biết, đến với chương trình tại TP.HCM, anh mong muốn được quảng bá các sản phẩm tỏi Lý Sơn vốn nổi tiếng có lợi cho sức khỏe cho người tiêu dùng tại đây. Qua đó, anh cũng có cơ hội được tiếp cận với các đối tác quan tâm đến sản phẩm làm từ tỏi Lý Sơn.
"Với mong muốn sản phẩm làm ra được công nhận và gắn sao để nâng tầm, công ty đã liên kết cùng 100 hộ nông dân canh tác tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 50ha. Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, chúng tôi còn đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, máy móc lên men tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản", anh Nhật cho hay.
Anh Nhật cho biết, tham gia OCOP là cách để công ty định vị và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, công ty đã có 4 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao gồm: Cao tỏi đen, rượu tỏi đen, tỏi đen cô đơn và tỏi đen nhiều nhánh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện chương trình này. Việc triển khai OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới tại khắp các tỉnh, thành thuộc các vùng trong cả nước. Trong những năm vừa qua, TP.HCM luôn củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, công thương, khoa học công nghệ... với các tỉnh, thành trên cả nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương UBND TP.HCM và UBND 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng: Phía Bắc và Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. |
Bình luận