Cần thống nhất khái niệm liên quan đến thu hồi đất để hạn chế tiêu cực
Cần thiết phải điều chỉnh
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội, các quy định về đất nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong Luật đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và nhận được sự quan tâm của người dân (đặc biệt là đối với các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp).
Điều này là dễ hiểu trong điều kiện Việt Nam là một nước nông nghiệp có khoảng 56 triệu người sinh sống ở khu vực nông thôn và đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì có thể thay thế được trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, nông nghiệp là lĩnh vực có vị trị, vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến nhìn nhận, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ góp phần bổ sung các quy định về đất nông nghiệp. Từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất nông nghiệp.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Các chuyên gia, nhà quản lý đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế như quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống, chất lượng chưa cao; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, việc xử lý khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn hạn chế.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ đánh giá, sở dĩ có tình trạng trên là bởi đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Cần thống nhất cách hiểu để tránh tiêu cực
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ, thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng bao gồm hai trường hợp.
Trường hợp 1 là thu hồi đất vì mục đích công cộng không tạo ra sự chênh lệch về địa tô khi thay đổi mục đích sử dụng đất như: Thu hồi đất để xây dựng cầu; thu hồi đất xây dựng đường giao thông; thu hồi đất để xây dựng công viên, nơi vui chơi giải trí công cộng; thu hồi đất để xây dựng chợ, trường học…;
Trường hợp 2 là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng như: Thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới… Trường hợp này sẽ tạo ra sự chênh lệch về địa tô do sự thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng làm phát sinh chênh lệch về địa tô do sự thay đổi mục đích sử dụng đất thường phát sinh khiếu kiện, tranh chấp về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài do người bị thu hồi đất không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Họ cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thấp hơn giá đất thực tế trên thị trường.
Mặt khác, việc thu hồi đất trong trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm do doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn được nhận đất để thực hiện các dự án nhằm hưởng sự chênh lệch về địa tô do việc thay đổi mục đích tạo ra (chuyển từ đất nông nghiệp sang sử dụng vào các mục đích khác).
Quanh nội dung này, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến góp ý, phải giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật Đất đai; phải giải thích chính thức khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng”.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. |
Bởi lẽ, Tại Khoản 35 của Điều 3, Dự thảo Luật Đất đai mới chỉ giải thích về khái niệm Nhà nước thu hồi đất nói chung mà không đưa ra giải thích chính thức về trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng.
Vì vậy, trên thực tế có sự hiểu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ, công chức Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý đất đai. Điều này dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất quy định này và tiềm ẩn sự lạm dụng để thu hồi đất nói chung và thu hồi đất nông nghiệp nói riêng bừa bãi vì lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực do sự không minh định, thiếu rõ ràng về nội hàm của khái niệm Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng.
Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cũng đề nghị Dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định rõ ràng, cụ thể Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng nhằm tránh việc lợi dụng, tùy tiện thu hồi đất nông nghiệp tràn lan, kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Bố cục của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp có nhiều điểm nổi bật như: Bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, sửa đổi làm rõ đã nông nghiệp khác để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện trong phân loại đất. Bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. Bổ sung chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp… |
Bình luận