Cân nhắc bổ sung quyền sử dụng đất của người nước ngoài Nhiều điểm mới quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng đến sự bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng đất

Chia sẻ theo quan điểm, ông Nguyễn Đình Bồng cho rằng, ở góc độ kinh tế thì đất đai là một trong ba yếu tố đầu vào của sản xuất (đất đai, lao động và vốn); là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp.

Bởi vậy, phương thức sử dụng đất đóng vai trò quyết định bảo đảm tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Trong nền nông nghiệp tự cung tự cấp, việc sử dụng đất nhỏ lẻ, phân tán là phổ biến, phương thức sản xuất này không phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay, do đó tích tụ, tập trung đất đai là tất yếu để giải quyết rào cản này.

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, tích tụ đất đai được xem là tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tập trung đất đai được xem là một công cụ, điểm xuất phát cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tập trung, cần gắn với thị trường hàng hóa, tài chính - vốn và khoa học công nghệ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trong thời kỳ mới
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Đinh Luyện)

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Bồng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng công phu, nghiêm túc đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết đại Hội XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Trong đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá như: Bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài đối với đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang, ban quản lý rừng và một số trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân;

Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (so với hạn múc không quá 10 lần theo quy định của Luật Đất đai 2013);

Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những quy định mới về tích tụ, tập trung đất đai sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khăc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn.