Chuyện những nghệ nhân “giữ hồn” làng nghề truyền thống
Khảo sát, thẩm định điểm du lịch Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm Về làng nghề lược sừng Thụy Ứng Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề phát triển |
Với tình yêu nghề, yêu nét đẹp truyền thống của quê hương, dù khó khăn nhưng nhiều nghệ nhân bằng nhiều cách khác nhau vẫn âm thầm giữ gìn nghề truyền thống để dòng chảy văn hóa được nối dài.
Là một vùng thuần nông, nghề làm nón lá truyền thống của làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) từng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Trải qua những thăng trầm của nghề, nhiều người thợ làm nón ngày nay luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm nón lá.
Trong số đó không thể không nhắc đến nghệ nhân Tạ Thu Hương, người không ngừng sáng tạo, đưa nón lá vươn ra thị trường thế giới.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương (áo dài xanh) luôn trăn trở “giữ hồn” giá trị văn hóa truyền thống của nón lá. (Ảnh: TH) |
Say mê với nghề làm nón, nghệ nhân Tạ Thu Hương không chỉ “giữ hồn” giá trị văn hóa truyền thống của nón lá mà còn góp phần đưa nón làng Chuông tiếp tục vươn ra thế giới mang theo những nét đẹp của văn hóa Việt Nam…
Với tâm niệm từ chiếc nón lá truyền thống của quê hương, cần tạo ra nhiều sản phẩm thu hút khách hàng. Từ tri thức tích lũy trong những chuyến ra nước ngoài tìm hiểu thị hiếu khách hàng và việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cách làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại các hội chợ làng nghề, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã sáng tạo ra nhiều mẫu nón lá độc đáo, chứa đựng trong đó tình yêu quê hương đất nước.
Trong các sản phẩm của gia đình nghệ nhân nổi bật hơn cả là nón lụa Hà Đông. Nghệ nhân Thu Hương cho biết để làm nên một chiếc nón lụa người thợ cần phải khéo tay, dày dặn kinh nghiệm, lụa căng trên nón phải phẳng, không bị phồng. Lụa cũng cần qua xử lý để không bay màu hay rách, bục khi nón lụa được đội ngoài trời. Nhờ đó, một chiếc nón lụa do cơ sở của nghệ nhân sản xuất ra, có thể sử dụng được vài năm mà không bị hỏng.
Nghệ nhân còn phối màu sắc, hoa văn, vẽ thêm phong cảnh Việt Nam, Hà Nội để tăng độ thẩm mỹ cho từng chiếc nón. Từ làng Chuông, những chiếc nón lá mang đậm hồn cốt Việt do nghệ nhân Tạ Thu Hương sáng tạo đã theo du khách, không chỉ đi khắp tỉnh thành trong nước mà còn tới nhiều quốc gia từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Chia sẻ về nghề làm nón lá, nghệ nhân Thu Hương cho biết phía sau một chiếc nón lá đẹp là cả sự kỳ công của người thợ làm nón. Ngày nay mặc dù có nhiều máy móc hiện đại có thể hỗ trợ công việc làm nón nhưng các công đoạn làm nón gần như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn theo phương pháp thủ công. Chiếc nón làng Chuông đẹp phải đạt các yếu tố như lá trắng, vòng đẹp, các mũi khâu đều tay, lỗ kim nhỏ không để lọt nắng khi dơ nón dưới ánh mặt trời.
“Nghề làm nón đã ăn sâu trong con người tôi từ khi còn nhỏ. Tôi luôn trăn trở với nghề và tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng từng ngày, làm ra những mẫu nón mới, hợp với thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Những năm qua, sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm đã khích lệ tôi đổi mới mẫu mã và kiểu dáng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo về chất lượng”, nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ.
Ở một hướng đi khác, với lòng yêu nghề, sự tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tuấn Minh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề gốm sứ khi mới 25 tuổi.
Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh đang hoàn thiện tác phẩm đôi chóe điêu khắc tích tứ cảnh cổ đồ (Ảnh: TM) |
Làm quen với đất sét, bàn xoay từ rất sớm, tốt nghiệp Trung học phổ thông, chàng trai trẻ quyết định theo nghề truyền thống của gia đình. Sau hai năm làm việc, Minh nhận thấy các sản phẩm làm ra giống những sản phẩm đại trà của làng nghề nên không tạo được dấu ấn riêng, khó thu hút khách hàng.
Trăn trở gắn bó, phát triển nghề của gia đình, của làng, Minh quyết định theo học tại khoa gốm, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm làm nghề. Vừa học tại trường, Minh vừa tìm tòi, học hỏi nghề từ những người thầy đi trước. Dần dần thế giới quan của chàng trai trẻ được thay đổi, những tác phẩm tạo ra mang tính nghệ thuật cao hơn.
“Sản phẩm gốm đẹp, có hồn hay không phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay của người thợ. Thợ gốm không những cần sự tỉ mỉ, chính xác mà phải luôn có sự nhạy cảm, nhất là trong khâu nung lò. Một sản phẩm gốm được cho là đẹp phải là sản phẩm chuẩn kích thước, tinh tế trong từng đường nét khi chuốt, sắc sảo trong từng chi tiết hoa văn. Ngoài ra, kỹ thuật nung gốm phải đạt chuẩn, gốm sau nung phải mịn, đẹp”, Nguyễn Tuấn Minh chia sẻ.
Trong hành trình theo nghề, Minh đã chọn hướng đi cho riêng mình. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng toàn bộ sản phẩm của Minh đều được làm thủ công, vuốt bằng tay. Đó là nét riêng khi Bát Tràng đã có rất nhiều sản phẩm được sản xuất từ hệ thống máy công nghiệp. Việc kết hợp các đường nét của nghệ thuật điêu khắc, Minh đã cho ra những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Cứ vậy với lòng yêu nghề, những miếng đất vốn vô tri, vô giác qua bàn tay Minh đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có sức hút.
Đến nay Minh đã xây dựng được xưởng sản xuất cho riêng mình, tạo việc làm cho nhiều người dân trong vùng, qua đó Minh truyền dạy nghề cho các bạn trẻ trong làng. Sản xuất theo phương pháp thủ công nên số lượng không nhiều, mỗi tháng xưởng gốm của Minh cung cấp ra thị trường hơn 300 sản phẩm. Các sản phẩm đều được đầu tư về chất lượng, tạo điểm nhấn trong mỗi khách hàng.
Đặc biệt, Minh đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhận được sự đánh giá cao của các nghệ nhân gốm cũng như của khách hàng. Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm “Đôi bình vuốt tay men rạn cổ”; “Đôi chóe men rạn đắp rồng” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Kim Trúc Tự (làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).
Năm 2021, từ sự tích “Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng”, Minh cho ra sản phẩm “Khát vọng”. Hiện nay sản phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng huyện Gia Lâm). Các tác phẩm: “Đôi chân đèn màu lam sẫm”; “Đôi lộc bình đắp tứ linh”, “Đôi choé men rạn vẽ rồng màu chàm cổ” hiện đang lưu giữ và trưng bày tại chùa Tiêu Dao (làng Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều nghệ nhân trên địa bàn Thủ đô vẫn đang gìn giữ nghề truyền thống theo những cách riêng. Mặc dù khác nhau ở độ tuổi, ngành nghề nhưng trong họ đều chung niềm tin yêu, sự quyết tâm đưa nghề truyền thống tiếp tục vươn xa hơn.
Để các làng nghề truyền thống không bị mai một nếu chỉ dựa vào các nghệ nhân của làng thì chưa đủ, điều quan trọng là cần xây dựng được kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề. Để lưu giữ tinh hoa làng nghề, nhìn từ góc độ làng nghề thì các cấp chính quyền cần vào cuộc thực chất, chủ động hơn trong phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Thêm vào đó, các vùng đất có nghề cần chú trọng việc đào tạo truyền dạy nghề, xem đây là công việc rất bức thiết.
Bình luận