Cơ hội từ nền kinh tế xanh cho doanh nghiệp Việt Nam
Đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn Luật Đất đai (sửa đổi) là tiền đề giúp doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất công bằng Ngành công nghiệp chế tạo có sức hút lớn |
Doanh nghiệp hướng tới phát triển xanh
Là một doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa, nhưng Công ty Nhựa Duy Tân đã có bước đi “tái khởi nghiệp” đầy bất ngờ vào kinh tế xanh bằng việc thành lập Công ty Nhựa tái chế Duy Tân để đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm từ nhựa tái chế.
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, ở Đức cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới, các bao bì sản phẩm có thành phần từ nhựa tái chế được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hơn so với sản phẩm nhựa thông thường. Vì vậy, các sản phẩm nhựa tái chế từ Duy Tân cũng dễ dàng xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ những thành quả từ việc tái chế nhựa. |
Ông Lê Anh cho biết thêm, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ – một thị trường khắt khe bậc nhất trên thế giới. Đặc biệt, nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này đều được công ty thu gom rác thải nhựa từ Việt Nam. Ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm của Nhựa tái chế Duy Tân đã được xuất khẩu sang tất cả 12 nước trên thế giới. Tính riêng trong năm 2022, Nhựa tái chế Duy Tân đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỷ chai nhựa.
"Được xây dựng vào cuối năm 2019 tại tỉnh Long An và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020, hiện tại nhà máy của Nhựa tái chế Duy Tân có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET mỗi năm. Kế hoạch sắp tới sẽ tăng gấp đôi công suất lên 60.000 tấn. Về nhựa HDPE, nhựa PP, hiện tại công suất nhà máy là 10.000 tấn/năm mỗi loại, dự kiến cũng sẽ nâng gấp ba công suất lên mức 30.000 tấn/năm", ông Lê Anh chia sẻ.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) cho hay, hiện nay Saigon Co.op đang được TP.HCM giao triển khai hoạt động liên kết với các địa phương, đó là "Chương trình Phát triển vùng nguyên liệu bền vững". Trong đó, Saigon Co.op sẽ chủ động tham gia sâu vào quá trình phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân…
"Năm 2023, Saigon Co.op phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai chương trình trọng điểm là "Bàn Ăn Xanh", nhằm nâng cao nhận thức và thực hành tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng, có phân phối qua hệ thống của Saigon Coop. Dự kiến chương trình "Bàn Ăn Xanh" sẽ chính thức ra mắt vào tháng 4/2023", ông Sơn chia sẻ.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), chương trình HVNCLC từ trước đến nay liên tục có những thay đổi, đổi mới, nhằm phục vụ thực sự cho nhu cầu càng ngày càng tăng lên của khối tiêu dùng trong nước, thị trường nội địa, cũng như sức ép ngày càng tăng ở thị trường nước ngoài khi xuất khẩu.
"Việc hướng tới phát triển xanh thời điểm này, có thể nói là đúng lúc, kịp thời, vô cùng quan trọng và cần thiết cho tương lai phát triển của bản thân hàng Việt Nam, nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của nước ta. Bởi hiện nay cả thế giới đang chuyển rất nhanh qua phát triển xanh, nhất là qua bối cảnh sau Covid-19 và có những biến động lớn trong thị trường toàn cầu", bà Vũ Thị Kim hạnh chia sẻ.
Cơ hội từ kinh tế xanh
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện Việt Nam cũng đã xây dựng được hạ tầng tiêu chuẩn cho cộng đồng doanh nghiệp, với gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 65% hài hòa với tiêu chuẩn thế giới, trải dài khắp các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chuẩn không chỉ đơn thuần là công việc của cơ quan nhà nước, việc này cần sự tham gia của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất mong muốn sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào việc xây dựng tiêu chuẩn, để phục vụ lợi ích cho chính doanh nghiệp, biến tiêu chuẩn thành công cụ để doanh nghiệp để cạnh tranh”, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ tại hội thảo. |
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, "kinh tế xanh" là khái niệm tương đối mới trên thế giới và cũng mới được du nhập vào Việt Nam. Thế giới quan tâm đến kinh tế xanh từ 2008. Nguyên tắc chính là giảm thiểu tối đa rác thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội.
Từ năm 2010 Việt Nam đã bắt đầu triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thể hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững.
“Khách hàng quốc tế hiện nay đòi hỏi không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Cả trong nước cũng vậy, người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe hơn, ngày càng ủng hộ rộng rãi hơn với các trào lưu như tiêu dùng xanh, đó là yêu cầu mà các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời”, ông Võ Tân Thành nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vài năm gần đây đã bắt đầu có những tấm gương trong tăng trưởng xanh, phát triển xanh của doanh nghiệp Việt Nam, như trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, thủy sản… đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn… và cần phải nhân rộng hơn nữa những mô hình như vậy để thành một trào lưu chung, trở thành một tiêu chí để đánh giá cho HVNCLC.
"Điều này chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam vừa phát triển tốt hơn, vừa tăng được năng lực cạnh tranh của mình ở trong nước và quốc tế. Và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, khuyến khích người tiêu dùng cùng nhau đi theo xu hướng xanh của tương lai”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Bình luận