Đà Nẵng: Dự kiến cần hơn 167 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển đến năm 2025
Đà Nẵng: Cận cảnh khu vực quy hoạch, kêu gọi đầu tư Cảng biển Liên Chiểu Toàn cảnh khu vực quy hoạch phân khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng |
Đà Nẵng cần khoảng 167,4 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng có Tờ trình số 334/TTr-SKHĐT gửi Hội đồng thẩm định về hồ sơ quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo hồ sơ, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 thành phố Đà Nẵng sẽ cần khoảng 167,4 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026-2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần đến 289,4 tỷ đồng. Còn tổng vốn đầu tư dự kiến giai đoạn 2031-2050 sẽ là 4.744 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch, đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung nghiên cứu cơ chế huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải pháp khơi thông nguồn lực.
Cùng với đó, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất đai; ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn.
Doanh nghiệp kinh doanh tại khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận) |
UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm chuyển tiếp theo quy định và có kế hoạch chi tiết triển khai danh mục các công trình trọng điểm, mang tính động lực đảm bảo tính đồng bộ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thành phố thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách.
Thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; đặc biệt tăng cường áp dụng các hình thức PPP trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, đối với các dự án, các hoạt động, kinh doanh của các công ty nước ngoài cần đảm bảo bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Các dự án cần có lộ trình cụ thể, không để xảy ra những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thành phố tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược hướng đến mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại; mở rộng kết nối thị trường trong nước với nước ngoài; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước tại địa phương góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Bên cạnh đó, công khai các thông tin về cơ hội đầu tư, đảm bảo cơ hội công bằng giữa các nhà đầu tư. Lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu với tiêu chí về ý tưởng thiết kế, công nghệ tối ưu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo về tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Nghiên cứu ban hành mới một số cơ chế, chính sách
Theo hồ sơ, trong lĩnh vực dịch vụ, thành phố Đà Nẵng dự kiến có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, dự án đầu tư có hiệu quả, phát triển mạnh các dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải, thông tin truyền thông, tài chính - ngân hàng; cơ chế, chính sách phát triển khu phi thuế quan, dịch vụ logistic, dịch vụ du thuyền.
Bên cạnh đó, có đề án và cơ chế chính sách xây dựng Đà Nẵng thành điểm trung chuyển, phân luồng hàng hoá của vùng, khu vực; đề án xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố có chương trình phát triển Khu công nghệ cao mở rộng và các khu công nghiệp; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; đề án xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề vào cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, có đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất cá thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đề án khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng sản xuất thông minh và thí điểm mô hình nhà máy thông minh trong một số ngành công nghiệp chủ lực; cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, thị trường tiêu thụ, mặt bằng sản xuất.
Còn trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thành phố dự kiến có chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đề án phát triển các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị; đề án, chính sách phát triển và kinh doanh rừng gỗ lớn; đề án nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác thủy sản,...
Sau khi Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thẩm định, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến trong quý IV/2022. |
Bình luận