“Áo dành cho trẻ tự kỷ” đạt giải khởi nghiệp Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp khó tuyển đủ lao động

Tiền lương không theo nổi giá nhà, đất

Đà Nẵng: Giá nhà đất tăng cao, giấc mơ an cư với người lao động càng xa
Một dự án căn hộ ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng có giá bán từ 25 triệu đồng/m2. (Ảnh: Văn Luận)

Theo khảo sát của phóng viên, giá đất nền ở thành phố Đà Nẵng tăng nóng từ năm 2016 đến nay. Tại phía nam thành phố, đơn cử như giá đất nền ở Khu đô thị FPT, Khu đô thị Hòa Xuân, Khu đô thị Hòa Quý - Đồng Nò được môi giới rao bán từ 3,5-3,8 tỷ đồng/lô/100 m2; một số lô đất ở vị trí đẹp giá từ 4,5-6 tỷ đồng/lô/100 m2.

Còn tại phía tây bắc Đà Nẵng, môi giới rao bán đất Khu tái định cư Hòa Liên từ 2 – 2,2 tỷ đồng/lô/100 m2; Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú từ 3,5 tỷ đồng/lô/100 m2.

Về căn hộ ở, các dự án như FPT Plaza 1 và Plaza 2 (quận Ngũ Hành Sơn) được môi giới rao bán từ từ 1,7 tỷ đồng/căn; căn hộ dự án The Sang được rao bán từ 3,7 - 5 tỷ đồng/căn; căn hộ The Filmore giá bán đến 140 triệu đồng/m2,…

Trao đổi với phóng viên, anh Lê Văn Tài, công nhân sửa chữa máy (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, anh có thâm niên làm nghề 8 năm với mức lương hiện tại là 8,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vợ anh làm nhân viên bán hàng giày, dép với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng anh Tài có một đứa con nhỏ học lớp 2.

Theo anh Tài, cộng hết tiền lương của hai vợ chồng là 13 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi tiền ở trọ 2,5 triệu đồng/tháng; tiền sinh hoạt hàng ngày và tiền học cho con thì hai vợ chồng anh còn dư cao nhất 1,5 triệu đồng/tháng. Theo anh Tài, số tiền dư ít ỏi đó còn chưa tính đến những việc đột xuất cần chi như con đau ốm hay tiền mừng cưới, thăm hỏi người thân, bạn bè khi được mời.

“Ở thành phố Đà Nẵng nhiều năm qua, tôi thấy giá nhà, đất tăng cao quá. Hai vợ chồng tôi từng có hy vọng sẽ sở hữu được một miếng đất xây nhà hay mua căn hộ để an cư nhưng từ bỏ lâu rồi. Tiền lương vợ chồng tôi làm ra cũng chỉ đủ lo sinh hoạt, trong khi giá một lô đất ở các khu đô thị, dân cư ở tây bắc và nam Đà Nẵng đã hơn 3 tỷ đồng, cao nhất đến 7 tỷ đồng”, anh Tài bộc bạch.

Cùng hoàn cảnh, chị Phạm Thị Lê Na, nhân viên bán hàng gia dụng ở đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu), chia sẻ, chị hiện có mức lương 5 triệu đồng/tháng, còn chồng làm nhân viên giao hàng có lương thực nhận 7,5 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị Na có hai đứa con đang học lớp mẫu giáo và lớp 3.

“Tiền lương vợ chồng tôi làm ra đủ chi cho sinh hoạt hàng tháng, trả tiền thuê nhà. Sau dịch, mọi thứ sinh hoạt đều đắt đỏ thêm nên càng chi tiêu tiết kiệm hơn. Những lúc ốm đau hay việc quan trọng khác, có thể không còn tiền, phải đi mượn bạn bè, người thân.

Hai vợ chồng tôi từng tính vay ngân hàng để mua căn hộ ở. Tuy nhiên, đi khảo sát vài lần năm 2020 và 2021, thấy giá 1,5 - 1,7 tỷ đồng/căn hộ cũ. Trong khi đó, hai vợ chồng không có tích lũy được nhiều, ba mẹ hai bên chỉ cho mượn được ít. Vợ chồng tôi tính, nếu mua căn hộ phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, lãi và gốc hơn 10 triệu đồng/tháng là quá lớn, nếu dùng tiền lương để trả thì không còn để sinh hoạt, nuôi con cái. Còn về đất ở, giá bán gấp đôi căn hộ cũ là hơn 3,3 tỷ đồng/lô thì rất cao, càng không thể mua nổi”, chị Na tâm sự.

Trường hợp gia đình anh Tài và chị Na chỉ là hai trong nhiều trường hợp phóng viên tiếp xúc có nhu cầu về nhà ở lớn. Dù họ cố gắng để có thể nâng cao thu nhập nhưng giá nhà, đất vẫn liên tục tăng cao khiến khoảng cách để sở hữu ngày càng kéo xa.

Đà Nẵng: Giá nhà đất tăng cao, giấc mơ an cư với người lao động càng xa
Một dự án đất nền ở có giá bán từ 3 tỷ đồng/lô phía nam Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận)

Liên quan đến vấn đề nhà ở cho người lao động, hồi tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng có văn bản nêu ý kiến: Hiện nay công nhân lao động trong các khu công nghiệp đang rất khó khăn, bức xúc về vấn đề nhà ở, rất cần sự hỗ trợ của các cấp để duy trì việc làm.

Bà Thắm viện dẫn, thực tế có nhiều công nhân ngoại tỉnh làm việc đã gần 20 năm trong khu công nghiệp nhưng vẫn phải thuê nhà trọ, điều kiện sinh sống tạm bợ, không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn.

“Trong thời gian tới, kiến nghị thành phố có chủ trương xây thêm các nhà ở xã hội cho công nhân lao động thuê tương ứng với từng cụm khu công nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ công nhân mua nhà ở xã hội cũng như cần quan tâm đầu tư các cơ sở mầm non công lập trong các khu công nghiệp; đầu tư các siêu thị bình ổn giá tiêu dùng...”, bà Thắm ý kiến.

Tăng cường rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động

Ngày 1/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, tại Đà Nẵng, đến tháng 7/2022, thành phố đã phát triển 13.938 căn hộ chung cư và hiện đang triển khai dự án nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng quy mô 209 căn hộ. Ngoài ra, vốn đầu tư ngoài ngân sách có 9 dự án với 7.525 căn hộ chung cư nhà ở xã hội và hiện đã hoàn thành 3.359 căn hộ.

Đến hết tháng 7/2022, dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh bao gồm 1.760 căn hộ thương mại, đã hoàn thành 1.214 căn hộ, đang xây dựng 546 căn hộ; tại dự án Nhà ở công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh có 728 căn hộ.

Trong thời gian đến, Thành phố thúc đẩy hoàn thành 5 dự án, chuẩn bị đầu tư mới một dự án và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 4 dự án thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với quy mô 4.000 căn hộ. Đồng thời chuyển công năng hai Khu ký xá sinh viên phía tây làm nhà ở xã hội; triển khai khu thiết chế Công đoàn phục vụ công nhân khu công nghiệp tại khu vực quận Liên Chiểu.

Thành phố tăng cường rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quá trình lập quy hoạch phân khu, ưu tiên khu vực gần các khu, cụm công nghiệp mới, rà soát quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; xây dựng Đề án bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước đang bố trí cho thuê.