Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng
Tại Hội nghị toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, kết quả tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống; trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả nợ các khoản vay tại các tổ chức tín dụng, nguy cơ nhảy nhóm nợ là rất cao, dẫn tới khó để tiếp tục tiếp cận vốn vay duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, kết quả tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh,... |
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 tạo điều kiện hoạt động cho ngành Ngân hàng. Trên cơ sở đó, Thông tư số 02 ra đời quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
“Việc cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Thông tin cụ thể về Thông tư số 02, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, đối tượng của Thông tư số 02 là khách hàng (tổ chức, cá nhân) gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản cho vay, cho thuê tài chính. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái. |
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc MBBank Phạm Thị Trung Hà cho rằng, Thông tư số 02 đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo đại diện MBBank, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu.
Còn Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái thì có ý kiến, hiện tại khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng sử dụng vốn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh với các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả. Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư số 02 cũng như tiếp tục nghiên cứu các cơ chế về quản trị, điều hành để tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc MBBank Phạm Thị Trung Hà. |
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank đánh giá: Thông tư 02 ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển.
“Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực hiện Thông tư 01, 03, các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19,... hiện tại dư nợ của các khách hàng đã trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp phục hồi ổn định. Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngành Ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế, dư địa để ngành ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế không còn nhiều”, ông Thắng cho biết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay, năng lực của các doanh nghiệp hiện nay giảm nên khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Doanh nghiệp mong muốn Thông tư 02 là cứu cánh hiện nay đối với khối doanh nghiệp, vì điều doanh nghiệp mong muốn là được cơ cấu lại nợ. Thông tư 02 đáp ứng được điều đó và mở rộng hơn so với trước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng đánh giá: Ban hành Thông tư 02 thể hiện trách nhiệm rất lớn của ngành Ngân hàng. Các ngân hàng rất có trách nhiệm trong triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Cần có cái nhìn tổng quan, các doanh nghiệp đang rất khó khăn... Sức hút vốn của nền kinh tế rất khó khăn, nên các tổ chức tín dụng muốn hoạt động cũng rất khó. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất cho vay, lựa chọn dự án tốt để cho vay.
Ngân hàng không thiếu vốn, hạn mức tín dụng không vướng. Tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng là không khó. Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì một số nhiều doanh nghiệp cũng không vay. Vậy nên, việc ban hành Thông tư 02 là cần thiết.
“Đối với gói 120.000 tỷ đồng, ngành Ngân hàng có rất nhiều giải pháp nhưng vẫn đang vướng ở các bộ, ngành, địa phương, do vậy cần có giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận