Đề xuất cho phép Hà Nội thí điểm triển khai mô hình tổ chức đầu tư mạo hiểm
Giao kế hoạch đầu tư vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thị trường cần tích lũy thêm, nhà đầu tư chứng khoán ngắn hạn nên kiên nhẫn |
Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô.
Thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi
Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô tập trung 80% các trường đại học, viện nghiên cứu, 82% phòng thí nghiệm quốc gia của cả nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2020 mới chỉ có 115 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận là Doanh nghiệp khoa học công nghệ so với chỉ tiêu là 350 doanh nghiệp. Chưa kể, tỉ lệ doanh nghiệp có sản phẩm thương mại do chuyển giao công nghệ từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ rất thấp.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Từ thực tiễn này, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất một số chính sách để phát triển khoa hoc công nghệ, đổi mới sáng tạo cho Thủ đô: Quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực, vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học giỏi; Khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; Cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố.
Để thực hiện các biện pháp được đề xuất, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, Thành phố phải điều chỉnh hợp lý cơ cấu chi cho khoa học công nghệ. Để ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tính tổng thể, chi thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi giai đoạn 2026-2030 vào khoảng 1.477 tỷ đồng, tăng 1000 tỷ đồng so với giai đoạn 2013-2020.
Thành phố được thí điểm hợp tác đầu tư hỗ trợ hình thành các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Dự kiến tổng chi phí đầu tư cho 1 trung tâm khoảng 400 tỷ đồng và dự kiến đầu tư 10 trung tâm cho giai đoạn 2026-2030.
Tổ chức đầu tư mạo hiểm
Đồng thời, đề xuất Thành phố được áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển giao không bồi hoàn tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Thành phố thực hiện. Tổng chi ngân sách Nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 khoảng 54 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 450 tỷ đồng.
Thí điểm triển khai mô hình tổ chức đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách Thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ theo lĩnh vực ưu tiên được Thành phố chấp thuận.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội thảo. |
Thành phố đầu tư cho các dự án ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở ươm tạo. Dự kiến ngân sách Thành phố hỗ trợ khoảng 30% - 70% tổng số vốn mà dự án cần huy động, phần còn lại từ nguồn xã hội hóa. Tổng chi ngân sách Nhà nước tăng giai đoạn 2026-2030 dự kiển khoảng 450 tỷ đồng, tạo ra 45 doanh nghiệp thành công...
Ông Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho rằng, đánh giá DTI năm 2021 của Hà Nội còn rất khiêm tốn, không tương xứng với tiềm năng mà Hà Nội đang có như: Là Thủ đô của đất nước, trung tâm của đồng bằng sông Hồng; là một trong những địa phương có nguồn ngân sách lớn nhất nước; là nơi tập trung 80% các trường đại học, viện nghiên cứu, 82% phòng thí nghiệm quốc gia của cả nước; là nơi đóng trụ sở của nhiều tập đoàn, công ty công nghệ lớn của quốc gia... Vì vậy, Hà Nội phải có đột phá về chính sách để có thể khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhìn nhận, khoa học công nghệ phải trở thành công cụ sản xuất, sinh ra lợi nhuận, góp phần tăng GDP, tăng thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm công nghiệp chủ lực, khoa học công nghệ trọng điểm chưa thấy bán trên thị trường, các nghiên cứu vẫn mang tính truyền thống, tính ứng dụng rất thấp.
“Doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Thủ đô có bao nhiêu, tại sao không phát triển được, không có sản phẩm gì, có lẽ là điểm yếu của chính sách, chưa khơi dậy được tiềm năng của các doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn”, ông Sơn nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, ứng dụng khoa học công nghệ mới sẽ có rủi ro, Nhà nước phải đứng ra làm “bà đỡ” cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, xây dựng Luật Thủ đô không phải cho những người sống ở Thủ đô, mà cho cả nước. Để Hà Nội phát huy được tiềm năng sẵn có, cần tìm ra chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thật sự vượt trội và đặc thù.
Bình luận