Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt khó Giải “bài toán” thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu
Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc cuối năm
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang tăng tốc, nỗ lực lấp đầy các đơn hàng cuối năm. Ảnh: VASEP

Nhiều lo lắng phía trước

Chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm G.C (GC Food) thông tin, Nhật Bản là một trong những thị trường chính của GC Food nhưng hiện tại DN đang gặp phải vấn đề đồng Yen giảm giá so với USD, dịch COVID-19 quay trở lại, khiến sức mua giảm sút.

Kế hoạch ban đầu DN làm việc với đối tác là sẽ tăng trưởng sản lượng 30% nhưng hiện tại sức tiêu thụ chỉ bằng năm ngoái. GC Food đang phải nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giữ giá bán để ổn định thị trường trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Điều này khiến cho DN phần nào bị giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng phản ánh, hiện công ty đang bị giảm 30 - 40% đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính là EU và Mỹ. Thị trường lớn còn lại là Nhật cũng bắt đầu giảm mua, khả năng sẽ giảm mạnh trong quý I/2023.

Trong bối cảnh hiện nay, DN cũng đang nỗ lực kiểm soát chi phí, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường, tập trung mở rộng thêm các thị trường mới thông qua các chương trình kết nối hợp tác, hội chợ. Việt Thắng Jean mong muốn các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ hỗ trợ tích cực hơn, giúp DN có thêm nhiều thông tin và kết nối với các nhà nhập khẩu.

Với ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, nhiều DN xuất khẩu cũng căng thẳng bởi đầu ra của sản phẩm đang bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.Hồ Chí Minh - cho hay, sau COVID-19, kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn, người dân Mỹ giảm mua sắm những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu nên đồ gỗ không bán được. Nhiều nhà nhập khẩu gần như rơi vào khủng hoảng khi hàng tồn kho tăng vọt, kho hàng quá tải, dự báo phải mất 6 tháng đến 1 năm để tái cấu trúc kho hàng.

Trước mắt, DN cũng đang tập trung cập nhật nhu cầu, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu và chờ đến mùa mua hàng tháng 9 xem các nhà nhập khẩu có động thái thế nào để tùy cơ ứng biến.

Nỗ lực giữ đà tăng trưởng

Báo cáo chiến lược mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, dữ liệu xuất khẩu đang có sự chậm lại đáng kể.

Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm 2022, các DN xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với khó khăn từ xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn; diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng...

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng, hiện nay có 279 DN thành viên và đang chiếm khoảng 80-83% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong 2 năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỉ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - nhận định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững cho hàng hóa Việt Nam, các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác.

Đồng thời, cần thay đổi để xây dựng và tham gia triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt các thị trường có các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Theo Thu Giang/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-xuat-khau-tang-toc-cuoi-nam-1089309.ldo