Làm giàu từ khoai mì
Phát động cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần thứ 10 Thủ tướng khích lệ thế hệ trẻ dũng cảm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Khởi nghiệp với trà sữa "siêu đắt" 300.000 đồng/ly |
Tại tọa đàm ông Đặng Khánh Duy chia sẻ, năm 2012, ông bắt đầu gắn bó với cây khoai mì tại xưởng chế biến tinh bột mì của gia đình. Am hiểu về đặc tính của khoai mì, ông đã tự mày mò nghiên cứu và biến loại cây “xóa đói giảm nghèo” này thành cây “khởi nghiệp làm giàu” với sáng kiến bánh tráng cuốn siêu mỏng không cần nhúng nước.
Quá trình sản xuất bánh tráng siêu mỏng từ khoai mì gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tạo ra sản phẩm có màu trắng đều mà không sử dụng hóa chất. Ban đầu, bánh tráng thường không đều màu, những sản phẩm màu vàng đục không được người tiêu dùng ưa chuộng và giá bán thấp. Ông Duy đã dành nhiều đêm ở lại xưởng mày mò cách pha chế để khắc phục nhược điểm này, cuối cùng tạo ra được sản phẩm bánh tráng mỏng, trắng đều màu.
Ông Đặng Khánh Duy còn sáng tạo bánh tráng Tân Nhiên có hình dạng vuông thay vì tròn, giúp giảm thiểu sản phẩm thừa và không cần nhúng nước khi ăn, phù hợp với sở thích của người Việt. Sản phẩm nhanh chóng được đón nhận tích cực, sản lượng tăng cao, và ông Duy liên tục mở rộng thêm 4 nhà máy sản xuất bánh tráng đạt chuẩn xuất khẩu.
Những sản phẩm bánh tráng và muối được làm từ khoai mì. Ảnh: Cẩm Viên |
Chỉ khoảng 6 tháng sau khi ra mắt, bánh tráng Tân Nhiên đã được thị trường đón nhận và tăng trưởng mạnh từ năm 2019 - 2021. Nhờ lợi thế về giá cả và nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, bánh tráng Tân Nhiên nhanh chóng chinh phục các đại lý và khách hàng. Sản phẩm đã phủ khắp các tỉnh thành Việt Nam và có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn.
Một bước ngoặt quan trọng đến với công ty khi đơn hàng nước ngoài đầu tiên từ Hàn Quốc xuất hiện. Đối tác Hàn Quốc tự tìm đến bánh tráng Tân Nhiên sau khi tiếp cận sản phẩm qua kênh người Việt xách tay. Dù ban đầu công ty lo ngại về năng lực sản xuất không đủ để xuất khẩu, nhưng đối tác Hàn Quốc vẫn kiên trì thuyết phục trong nhiều tháng và đơn hàng 500kg đầu tiên đã xuất đi Hàn Quốc, mở ra thị trường quốc tế.
Không chỉ Hàn Quốc, bánh tráng Tân Nhiên còn chinh phục các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Úc và Mỹ. Hầu hết các đơn hàng xuất khẩu này đều do đối tác tự tìm đến, nhờ chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn cao như ISO 22000 và chứng nhận FDA của Mỹ (FSSC 22000). Điều này không chỉ giúp sản phẩm dễ dàng xuất khẩu mà còn tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng trong nước.
Tại tọa đàm, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh khoai mì đã trở thành nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn dân dã đến các món tráng miệng tinh tế. Tinh bột khoai mì được sử dụng trong chế biến các loại bánh, kẹo, nước giải khát, rượu, thức ăn chăn nuôi và đặc biệt là nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất bánh tráng.
Bà Vũ Kim Hạnh cũng nhấn mạnh về sự xuất hiện của một tầng lớp doanh nhân trẻ say mê khai thác tài nguyên bản địa. Họ nghiên cứu thị trường và đưa sản phẩm địa phương vào tiêu thụ, thuyết phục người tiêu dùng yêu thích sản phẩm quê hương. Ông Đặng Khánh Duy, với bánh tráng không nhúng nước Tân Nhiên, là một điển hình.
Ngành sản xuất và chế biến khoai mì đã đạt kết quả ấn tượng cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đặt mục tiêu sản lượng mì tươi đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn vào năm 2030 và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD. Đến năm 2050, ngành mì Việt Nam sẽ phát triển bền vững, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Bình luận