Độc đáo nghề nuôi trai ngọc ở Sơn Tây
Đánh thức tiềm năng để phát triển du lịch Sơn Tây - xứ Đoài Sắp khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2023 Ấn tượng những màn so tài tại giải vật truyền thống ở Hà Nội |
Cách đây không lâu, thôn Lòng Hồ chính thức được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch. Từ những thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng, nhiều hộ gia đình nơi đây đã thực hiện mô hình mới để khai thác nghề và làm du lịch. Nuôi trai lấy ngọc là một trong những nghề mới đang được một số nông dân trong khu vực thôn Lòng Hồ đầu tư, thực hiện.
Ông Nguyễn Kiêm Khánh - hộ dân nuôi trai ngọc nước ngọt lớn nhất tại thôn Lòng Hồ chia sẻ, nghề nuôi cấy ngọc trai nước ngọt phát triển mạnh ở nhiều tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Ninh Bình nhưng tại Hà Nội, rất ít nông dân dám mạnh dạn đầu tư.
Ông Nguyễn Kiêm Khánh bên khu vực nuôi trai lấy ngọc. Ảnh: Đinh Luyện |
Theo lời ông Khánh, sau khi rời quân ngũ, ông đã “bén duyên” với nghề nuôi trai ngọc sau chuyến đi Phú Quốc năm 2018. Nhận thấy việc nuôi trai ngọc là nghề mới, nhiều tiềm năng, ngoài việc học hỏi ở Phú Quốc, ông Khánh còn tìm về Ninh Bình học nghề để xây dựng mô hình bài bản.
Qua học hỏi kinh nghiệm, tham quan nhiều mô hình nuôi trai ngọc trên biển và các vùng nước ngọt khác nhau, bản thân ông Khánh càng nhận rõ rằng thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn có khí hậu ôn hòa, nguồn nước ổn định… rất thuận lợi phát triển nghề. Đặc biệt, chất lượng ngọc sau khi nuôi thử nghiệm trong khu vực cũng cao hơn nhiều nơi, viên ngọc trai thành phẩm đều tròn, sáng bóng...
Sẵn lòng quyết tâm, lại được sự tạo điều kiện hỗ trợ tối đa từ chủ trương của chính quyền, ông Nguyễn Kiêm Khánh quyết tâm xây dựng thành công mô hình nuôi trai lấy ngọc ở vùng đất Sơn Tây.
Ngọc trai được nuôi tại thôn Lòng Hồ cho chất lượng vượt trội, sáng bóng, đều, giá trị cao. Ảnh: Đinh Luyện |
Theo ước lượng giá trị đầu, gia đình ông Khánh đã đầu tư với quy mô nuôi 100.000 con, mức đầu tư ban đầu khoảng 600-800 triệu đồng. Ông Khánh chia sẻ, ở nghề nuôi trai, một trong những khâu quan trọng nhất là chọn giống. Khi lựa giống phải đúng chủng loại, đúng độ tuổi. Nếu chọn trai già thì trai sẽ chậm phát triển, trai có kích thước nhỏ hơn thì non. Việc lựa chọn tối ưu nhất là chọn trai khỏe, không dị dạng, dầy thịt, vỏ bóng, dày khỏe.
Ông Khánh cho biết, từ khi bắt đầu nuôi cấy đến khi thu hoạch, những viên ngọc trai nhỏ khoảng 3mm cần thời gian 2 - 3 năm/vụ, viên to khoảng 5mm mất từ 3 - 5 năm/vụ. Với giá thị trường hiện nay (hàng loại 1 giá khoảng 22.000 USD/kg. Mỗi đơn hàng khoảng 20kg, tương ứng 24.000 viên ngọc).
Đặc biệt, dù mới triển khai song ông Khánh đã từng nhận được những đơn hàng cả chục tỷ đồng đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc. Do giá trị đơn hàng cao, cần trữ lượng ngọc trai lớn nên ông Khánh cần thêm thời gian phát triển trang trại.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn Vũ Huy Nam cho biết, nuôi trai ngọc nước ngọt gắn với phục vụ du lịch sinh thái là mô hình kinh tế mới trong vùng chưa có. Ngoài mang lại giá trị kinh tế, mô hình này cũng đang góp sức quan trọng vào hoạt động du lịch trải nghiệm chung của địa phương.
Toàn cảnh hồ nuôi trai lấy ngọc. Ảnh: Đinh Luyện |
Theo ông Vũ Huy Nam, để bảo vệ môi trường tự nhiên xanh, sạch đẹp... tại các vùng phát triển du lịch thì rất cần chọn mô hình chăn nuôi, nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường. Việc nuôi trai ngọc rất phù hợp với xu thế và định hướng phát triển của địa phương bởi vừa phát triển kinh tế, vừa không xâm hại môi trường nước, thức ăn của trai chủ yếu là các loài phù du, tảo… sẵn trong tự nhiên.
Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây Hà Việt Phong cho biết, thành công từ mô hình nuôi trai lấy ngọc của hộ ông Nguyễn Kiêm Khánh sẽ mở đường cho nhiều hộ gia đình khác ở xã Kim Sơn nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung có thể học hỏi và nhân rộng.
Bình luận