Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động gặp khó Người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi

Lạm phát gia tăng tại Mỹ và châu Âu cũng như xung đột Nga - Ukraine đang khiến nhiều DN trong nước gặp khó khăn về đơn hàng. Dệt may và da giày đều là những ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam và chịu tác động trực tiếp bởi những biến động trên thị trường thế giới.

Nguyên phụ liệu sản xuất thiếu hụt do thị trường Trung Quốc, Nhật Bản thực hiện chống dịch nghiêm ngặt. Cùng với đó là kinh tế khó khăn, lạm phát tại các thị trường tiêu thụ chủ lực đều tăng cao làm ảnh hưởng sức mua, đơn hàng và đơn giá của DN đều sụt giảm.

Từ đầu năm 2022, các DN trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến quý II, quý III nhưng lại thiếu lao động, hoặc lao động nhảy việc, nghỉ việc. Đến nay, khi các DN đã tuyển đủ lao động cho sản xuất thì việc thiếu đơn hàng lại ảnh hưởng đến việc làm của người lao động tại nhiều DN.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, hiệp hội đang thống kê để có hướng hỗ trợ DN, trong đó tập trung vào những DN có lượng đơn hàng giảm nhiều, ảnh hưởng đến người lao động.

Đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp lo thiếu việc làm cho người lao động
Lượng đơn hàng giảm trong những tháng cuối năm là lo lắng của nhiều doanh nghiệp.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty May Đáp Cầu - ông Lương Văn Thư, đơn vị nhìn nhận những khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM nhận xét, trong 8 tháng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt 30,1 tỷ USD nhưng tăng trưởng này chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm.

Từ tháng 7/2022 tới nay, các DN đang rất khó khăn. “Nhiều DN dệt may ở khu vực TP.HCM đang sụt giảm đơn hàng mạnh. Các thị trường suy giảm tập trung vào Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát từ các quốc gia này lớn, buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đó dệt may không phải là hàng thiết yếu, ông Hồng cho biết.

Tình trạng lạm phát, giảm cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm là nhận định của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội này cho biết, nhiều đơn hàng da giày thời điểm cuối năm nay đến đầu năm 2023 của các DN cũng bị suy giảm. Trong khi đó, tồn kho do gián đoạn nguồn cung, giảm nhu cầu tiêu dùng nên hiện đã có DN buộc phải cho người lao động nghỉ phép năm từ 3 - 4 ngày/tháng, hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng.

Không để mất khách hàng

Nhằm giúp DN có đơn hàng, vượt qua khó khăn, ông Trương Văn Cẩm đề xuất, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU, cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước, giúp DN có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất.

Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho DN dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia... Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ…

Để ứng phó tình trạng đơn hàng suy giảm, việc làm thiếu hụt, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các DN buộc phải giảm thời gian tăng ca. Đồng thời đàm phán với đối tác sử dụng lại những đơn hàng trong thời gian dịch bệnh, nhằm duy trì hoạt động, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp lo thiếu việc làm cho người lao động
Các DN cần tìm kiếm đơn hàng và đổi mới công nghệ nhằm duy trì việc làm trong thời gian tới.

Nhận định thời điểm cuối năm vẫn còn những biến động khó dự báo, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine cũng như sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu, lạm phát ở Mỹ và châu Âu…

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Vinatex bằng mọi biện pháp giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng để giữ vững kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm.

“Để tăng khả năng cạnh tranh, ngành may mặc Việt Nam cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu”, ông Lê Tiến Trường cho hay.

Đại diện các DN dệt may cùng mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA mang lại.

Ðồng thời, bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu; sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi DN và gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/don-hang-sut-giam-nhieu-doanh-nghiep-lo-thieu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-post955948.vov