Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn Cần rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn Vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên báo Lao động Thủ đô có dịp gặp gỡ nhiều đoàn viên, người lao động đã được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, tất cả đều chia sẻ rằng, nguồn vốn này đã giúp họ có động lực để phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm và thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Chị Vũ Thị Làn - đoàn viên Công đoàn Trường Mầm non Đại Thắng (thuộc Liên đoàn Lao động huyện Phú Xuyên) là một trong những trường hợp như thế. Theo chia sẻ của chị Làn, trước đây, hoàn cảnh gia đình chị khá khó khăn, chồng chị đi làm thuê với mức lương dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, còn mức lương của chị là hơn 4 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng nhiều khi không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Động lực phát triển kinh tế từ nguồn vốn Công đoàn
Với số vốn vay từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Công Phúc đã đầu tư vào mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao.

Thông qua Công đoàn Trường Mầm non Đại Thắng và Liên đoàn Lao động huyện Phú Xuyện, năm 2022, chị Làn vay 30 triệu đồng từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình với mức lãi suất ưu đãi. Số tiền này chính là “đòn bẩy” để vợ chồng chị quyết định vay mượn thêm mở xưởng đồ gỗ tại nhà.

Từ đó đến nay, chồng chị Làn không phải đi làm thuê, công việc cũng chủ động hơn và nguồn thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Tháng nào nhiều việc, thu nhập của chồng chị được khoảng 9 - 10 triệu đồng. Cuộc sống gia đình nhờ đó cũng bớt khó khăn hơn. “Nếu không có nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình thì chắc gia đình tôi đã không mở xưởng đồ gỗ và chúng tôi cũng không có cơ hội để bước sang một trang mới trong cuộc đời”, chị Làn tâm sự.

Tương tự là anh Nguyễn Công Phúc - đoàn viên Công đoàn xã Đức Giang (thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức), đầu năm 2018, thông qua Công đoàn xã Đức Giang, anh Phúc được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn vay là 20 triệu đồng, anh Phúc đã đầu tư vào mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Hai năm sau, mô hình của anh dần đi vào ổn định và mang lại thu nhập.

Trên đà phát triển, sau khi tất toán khoản vay, với mục đích mở rộng thêm quy mô trồng trọt, chăn nuôi, anh Phúc tiếp tục vay vốn từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình với số tiền vay là 30 triệu. Từ số tiền vay mới cùng với tiền lãi những năm trước đó, anh Phúc đầu tư xây thêm chuồng, thả thêm cá, nuôi hàng trăm con gà, ngan, tạo việc làm thêm cho các thành viên trong gia đình. Đến nay, sau hơn 5 năm mở rộng quy mô, diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Phúc rộng gần 3.000 mét vuông, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả.

Anh Phúc chia sẻ: “Khi vay vốn từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, tôi đã hoạch định số tiền rõ ràng, chia thành các khoản nhỏ để đầu tư vào mua con giống. Trong quá trình chăn nuôi, tôi chú trọng chăm sóc cẩn thận để vật nuôi ít bệnh, đến khi xuất chuồng số tiền lãi sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất. Như vậy từ số tiền vốn nhỏ ban đầu nếu biết tính toán sẽ sinh ra được khoản tiền lớn. Bình quân thu nhập thêm mỗi năm từ 30 - 40 triệu đồng, thậm chí có năm đạt 60 - 70 triệu đồng đã trừ chi phí. Trong mấy năm qua, tôi đã trả hết 2 đợt vay và vừa rồi, tôi tiếp tục vay đợt thứ 3 để mua thêm gà, thả thêm cá”.

Với thành quả gặt hái được, hiện nay, anh Phúc là một đoàn viên tiêu biểu của Công đoàn xã Đức Giang tạo cảm hứng cho nhiều đoàn viên khác vươn lên làm giàu. Nói về ý nghĩa của nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, anh Phúc cho biết: “Nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình thực sự rất quan trọng đối với đoàn viên, người lao động còn khó khăn về kinh tế như chúng tôi, nguồn vốn này giúp chúng tôi có động lực để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Nếu nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn, đoàn viên cũng tránh tiếp xúc với nguồn vốn không chính thống hay tín dụng đen”.

Có thể nói, những trường hợp trên là minh chứng sống động cho thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn vay này không chỉ góp phần tạo kế sinh nhai bền vững cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động mà còn hạn chế tình trạng tín dụng đen và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hiện đang quản lý nguồn vốn và giải ngân vốn cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện nhà ở, phương tiện đi lại, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn… Trong giai đoạn 2018 - 2023, Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định, giải ngân 313,7 tỷ đồng cho hơn 12.500 lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm mới cho hơn 12.700 người. Đặc biệt, đã có hơn 3.350 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tại 198 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 87 tỷ 730 triệu đồng.