Cần rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn
Kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính: Nhận diện xu hướng và giải quyết trở ngại Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn Tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn |
Tại toạ in đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài thông tin, so với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên của thế giới tăng 150%. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng 3 lần hiện nay, vượt quá sức chịu đựng của con người.
Trong khi đó, kinh tế tuyến tính đã thải ra môi trường 150 triệu tấn rác thải nhựa vào năm 2014 và dự báo đến năm 2050 nhiều hơn tổng số cá của các đại dương.
Ông Nguyễn Mại nhấn mạnh: thay đổi mô hình tăng trưởng là câu chuyện cấp bách của loài người, của các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, theo khảo sát của VCCI và Quỹ châu Á, biến đổi khí hậu đã khiến 54% doanh nghiệp được khảo sát bị gián đoạn sản xuất kinh doanh do thiên tai; 51% doanh nghiệp giảm năng suất lao động do thời tiết khắc nghiệt, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối…
Do đó, phần lớn các nước đang chuyển dịch sang phương thức sản xuất phục hồi và tái tạo, giảm khai thác tài nguyên và hạn chế chất thải ra môi trường.
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (Ảnh minh họa: BT) |
Vì vậy, ông cho rằng, các cấp ban ngành cần tham gia tuyên truyền nâng cao quan điểm, nhận thức cho người dân về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.
Trong 9 năm qua, nhờ ứng dụng kinh tế tuần hoàn với mô hình 3R về giảm thiểu chất thải (reducing waste), tái sử dụng (reusing) và tái chế (recycling), Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã giảm 78 nghìn tấn rác thải nhựa.
Từ những thành công bước đầu này, ông David Riddle, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn này cho rằng, để kinh tế tuần hoàn đi vào đời sống là một quá trình cần nhiều thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Thậm chí, cần có cách tiếp cận mới, động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.
Vì vậy, theo ông David Riddle, cần tiếp tục truyền thông tới cộng đồng và các bên liên quan về lợi ích của tính bền vững và nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia một cách thực chất.
Ông David Riddle kiến nghị cần có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ.
Tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện chưa có đạo luật nào riêng về kinh tế tuần hoàn, các cơ chế chính sách nằm nhiều ở các quy định, chính sách đầu tư khác nhau.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trước hết cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn nên bãi bỏ. Thứ hai là rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Việc đưa ra tiêu chuẩn sản phẩm quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp kinh tế tuần hoàn. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm, còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ.
Bảo Thoa
Bình luận