Chuyện người đưa hoa về... đất lúa! Nhiều đặc sản vùng cao lọt vào vòng chung kết cuộc thi dự án Khởi nghiệp Xanh Tìm ra 23 dự án vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp Xanh 2023

Khát khao tạo môi trường giáo dục cho người khuyết tật

“Cả đời tôi chỉ khao khát xây dựng được một môi trường giáo dục đặc biệt toàn diện mà ở đó người khuyết tật, tự kỷ được học tập suốt đời, được hưởng một ngôi nhà tràn đầy hạnh phúc”, đó là tâm sự của chị Đào Thanh Hoàn, một người mẹ có con tự kỷ, người thấu hiểu hết “các con cần giúp đỡ điều gì”.

Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn
Chị Đào Thanh Hoàn nhận giải thưởng "Ý tưởng khởi nghiệp phụ nữ sáng tạo Thủ đô" năm 2023

Thấu hiểu tâm tư của trẻ cũng như những gánh nặng của gia đình và xã hội khi chăm sóc, giáo dục những đứa con “đặc biệt”; với ước nguyện tạo cho trẻ mắc chứng tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung có một môi trường học tập suốt đời; được can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hoà nhập; được rèn kỹ năng sống, được giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp, tạo việc làm có thu nhập ổn định do chính sức lao động của mình, mang lại cho họ một môi trường học tập thân thiện như ngôi nhà hạnh phúc, tạo giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội, nên chị Đào Thanh Hoàn đã nghiên cứu, học hỏi tìm tòi để thực hiện ý tưởng của Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Chị Hoàn cho biết, nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học không thể tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở, và càng khó học lên trung học phổ thông. Chính vì vậy cần có một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện từ thực nghiệm hướng nghiệp đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập để các em có thể tham gia học tập suốt đời là một nhu cầu thiết yếu và có giá trị nhân văn.

Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn
Giải thưởng do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội trao tặng

Do đó, việc “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội” của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân là một việc làm hết sức cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp các em khuyết tật và tự kỷ được học tập có được cuộc sống, công việc trọn vẹn mà còn góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Không chỉ tạo môi trường giáo dục đặc biệt toàn diện tại các cơ sở giáo dục đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, mang lại cơ hội học tập suốt đời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh thiếu niên và người tự kỷ, khuyết tật mà chị còn có mục tiêu thiết thực là hỗ trợ cho thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật để họ có thể sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó là đào tạo, nâng cao tay nghề cho người tự kỷ và khuyết tật để làm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội; tạo thu nhập, giúp phát triển kinh tế cho các gia đình có người tự kỷ và khuyết tật, giảm gánh nặng cho xã hội.

Sản phẩm phải mang lại giá trị kinh tế bền vững

Trong quá trình triển khai hoạt động mô hình giáo dục toàn diện hỗ trợ học viên khuyết tật và tự kỷ, Trung tâm do chị Đào Thanh Hoàn sáng lập và điều hành đã tập trung xây dựng nội dung các hoạt động phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng của cá nhân học viên khuyết tật và tự kỷ, giúp học viên và gia đình hiểu khả năng, nhu cầu của chính mình; hiểu yêu cầu của một số nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm phát triển nhận thức của học viên khuyết tật và tự kỷ, chuẩn bị cho học viên sự sẵn sàng có các kỹ năng để tham gia vào một số nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân học viên khuyết tật và tự kỷ.

Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn
Chị Đào Thanh Hoàn giới thiệu sản phẩm do người khuyết tật thực hiện

Thông qua từng hoạt động giáo dục như tiền hướng nghiệp, thực nghiệm hướng nghiệp, hướng nghiệp giải quyết việc làm; Trung tâm hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh, mang lại thu nhập cho học viên khuyết tật và tự kỷ.

“Điều này là một yếu tố tạo tác động xã hội đến sự điều chỉnh động cơ, hứng thú nghề nghiệp của mỗi học viên khuyết tật và tự kỷ dựa trên khả năng của từng cá nhân. Giáo dục sự lựa chọn nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của cá nhân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và điều kiện kinh tế - xã hội nơi mà học viên khuyết tật và tự kỷ đang sống, nhằm đảm bảo cho mỗi học viên khuyết tật và tự kỷ có thể lựa chọn được một nghề nhất định, tạo cơ hội cho học viên khuyết tật và tự kỷ có thể hoà nhập cộng đồng và được học tập suốt đời”, chị Hoàn cho biết.

Dựa trên các mục tiêu của mô hình, chị đã cùng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm chỉ đạo cán bộ, giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng học viên. Nội dung hoạt động thực nghiệm hướng nghiệp cũng được thực hiện từng bước. Cụ thể, đã nghiên cứu 3 nghề thực nghiệm hướng nghiệp: Nghề làm gốm nghệ thuật; nghề sắp lễ thủ công; nghề làm oản nghệ thuật.

Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn
Giáo viên hướng nghiệp cùng học viên khuyết tật thực hiện sản phẩm thủ công tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân do chị Đào Thanh Hoàn sáng lập

Để trẻ tự kỷ, người khuyết tật làm ra được sản phẩm đã khó, khó hơn nữa là sản phẩm phải bán được, mang lại giá trị kinh tế cho chính người khuyết tật. Bởi thế, trong nhiều năm qua, chị Đào Thanh Hoàn đã trăn trở nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nghiên cứu và thiết kế thiết bị, máy móc bán thủ công để đưa vào sản xuất phục vụ người khuyết tật và tự kỷ vận hành quy trình tạo ra sản phẩm.

Và để sản phẩm của người khuyết tật có chỗ đứng, khẳng định thương hiệu trên thị trường, chị đã nghiên cứu quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm, thực hiện các quy trình như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; đăng ký bản quyền mỹ thuật cho ứng dụng cho nhãn hiệu sản phẩm hướng nghiệp của thanh, thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật; lan tỏa và nhân rộng mô hình đến các Trung tâm giáo dục đặc biệt tại địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước.

“Để thanh thiếu niên, người khuyết tật và tự kỷ có thể sống tự lập và độc lập, Trung tâm đánh giá khả năng mỗi em, nhu cầu của học viên và gia đình để xây dựng mục tiêu cho từng cá nhân. Giáo viên hướng nghiệp luôn giám sát các hoạt động học tập thực nghiệm hướng nghiệp và kỹ năng sống, sinh hoạt hàng ngày của các học viên. Triển khai thực hiện nội dung giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho học viên khuyết tật trí tuệ và tự kỷ phù hợp”, chị Hoàn cho biết.

Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn
Chị Đào Thanh Hoàn chung vui cùng đội ngũ nhân viên của Trung tâm và học viên khuyết tật sau khi nhận giải thưởng ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo

Tuy nhiên, chị Đào Thanh Hoàn cũng bày tỏ, mô hình vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đó là khó khăn về nguồn vốn để triển khai mô hình, bởi các học viên khuyết tật và tự kỷ thường thuộc các gia đình hoàn cảnh nên mô hình giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho học viên khuyết tật và tự kỷ định hướng sẽ không thu học phí của học viên.

Khó khăn nữa là các học viên khuyết tật và tự kỷ tiếp cận được mô hình giáo dục hướng nghiệp. “Thời gian đầu triển khai mô hình tại quận Hà Đông, học viên tại các quận, huyện khác khó tiếp cận được mô hình này vì gặp khó khăn trong việc đi lại, đa số gia đình có con khuyết tật và tự kỷ tại các huyện thường là hộ nghèo.

Bên cạnh đó, một số học viên khuyết tật và tự kỷ ở mức độ nặng và đặc biệt nặng thì không thể có các kỹ năng để hoàn thành các sản phẩm cần kỹ năng cao. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai hiệu quả cho thấy sản phẩm của mô hình đang được đón nhận, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Mô hình cũng nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng và các tổ chức xã hội.

Nơi thắp sáng ước mơ cho người kém may mắn
Chị Đào Thanh Hoàn tự hào là người mang đến niềm hy vọng cho trẻ tự kỷ và người khuyết tật

Chị Hoàn cũng cho biết, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Ngọc Ân sẽ không ngừng học tập, nghiên cứu xây dựng ý tưởng đổi mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hướng nghiệp đảm bảo chất lượng và mang tính thẩm mỹ cao, tạo cảm hứng cho người lao động yếu thế trong xã hội. Luôn phấn đấu là một trong những đơn vị dẫn đầu, làm mẫu nhân rộng và lan tỏa mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật tại các cơ sở giáo dục đặc biệt trên cả nước.

Vừa qua, Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội” của chị Đào Thanh Hoàn - Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội biểu dương “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Thủ đô” năm 2023.

Bảo Thoa