Sàng lọc ung thư vú nhờ trí tuệ nhân tạo Chuyển đổi số Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Nền tảng cho bước tiến đột phá Doanh nghiệp công nghệ chinh phục thị trường quốc tế

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi số toàn diện quốc gia sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đưa công nghệ Việt cạnh tranh toàn cầu
Khách hàng tham quan, tìm hiểu giải pháp thông minh của các doanh nghiệp được trưng bày tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4

Năm 2022 là năm tăng tốc của ngành công nghệ thông tin Việt Nam với ưu tiên lớn nhất là xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Từ góc nhìn của chuyên gia công nghệ nước ngoài, mới đây chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4, đại diện Công ty Tel.rec, ông Joseph Saib cho biết: Số liệu năm 2018 cho thấy, khoảng 70% các tổ chức có những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 40% doanh nghiệp có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Trên toàn cầu, khoảng 2.000 tỷ USD đã được các công ty chi cho chuyển đổi số trong năm 2019.

Chuyển đổi số là hiện tượng mang tính toàn cầu và là xu hướng không thể đảo ngược. Tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự đoán tăng lên 7.000 tỷ USD trong năm 2023. Theo ông Joseph, đây là cơ hội mà Việt Nam không nên bỏ lỡ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt phải tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.

“Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ và không nên bỏ lỡ cơ hội này, các doanh nghiệp Việt cần có cách tiếp cận đúng đắn cũng như chiến lược chuyển đổi số phù hợp”, ông Joseph khẳng định.

Không phủ nhận hiệu quả mà chuyển đổi số đem lại đối với các doanh nghiệp Việt Nam, là việc cần thiết và cấp thiết hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi của toàn cầu, ông Phạm Lê Minh - Giám đốc điều hành khối IoT Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang chia sẻ: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số là rất cần thiết đối với doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí và tạo ra nhiều lợi nhuận. Chuyển đổi số được xem là chìa khóa và là giải pháp sinh tồn hữu hiệu trong việc duy trì và phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có”.

Theo đó, với định hướng trở thành một tập đoàn công nghệ, Điện Quang đã và đang áp dụng công nghệ số một cách đầy đủ để hiện đại hoá mô hình hoạt động, làm chủ các nền tảng số. Doanh nghiệp chú trọng thu thập và phân tích dữ liệu đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các sản phẩm và dịch vụ.

Cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ số

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số Việt Nam, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, Việt Nam vẫn chưa kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Sự kết nối giữa các nhà đầu tư mạo hiểm, khách hàng và startup vẫn còn hạn chế; còn nhiều bài toán phải giải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Ngô Diên Hy, thị trường trong nước còn rất nhiều bài toán để giải, từ bài toán của Chính phủ số, kinh tế số đến xã hội số. Do đó, Việt Nam cần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cùng chung tay xây dựng đất nước.

Còn theo Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Công nghệ thông tin sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi chúng ta nỗ lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Để làm được điều này, Việt Nam cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ vững mạnh. Trong đó, các đơn vị có vai trò tiên phong cần thể hiện sự dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trở thành người đồng hành với các doanh nghiệp Việt khác tại cả thị trường trong nước và nước ngoài. Qua đó thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.