Giá nhà trọ tăng cao, sinh viên đau đầu tìm chỗ ở
Giá 4 - 5 triệu đồng/tháng vẫn khó tìm phòng
Trước thềm năm học mới, tại Hà Nội hình ảnh sinh viên, người thân đỏ mắt tìm nhà trọ đã trở nên quen thuộc. Câu chuyện nhà trọ tăng giá dịp đầu năm học dường như cũng trở thành quy luật tất yếu đối với gia chủ. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu vực như: Khương Trung, Định Công, nhiều nhà trọ chưa tăng giá những cũng đang “thủ thế” nghe ngóng tình hình. Chỉ cần một nhà cho thuê tăng giá, là lập tức, xóm trọ sẽ đồng loạt tăng theo.
Nhiều khu vực khác, dù khẳng định vẫn giữ nguyên giá nhưng chi phí cho thuê phòng lại cao ngất ngưởng, điển hình như Xuân Thuỷ, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy,... Hiện, giá phòng tại đây giao động từ 3 triệu - 4 triệu đồng/tháng cho một phòng diện tích từ 15 - 17m2, có vệ sinh khép kín.
![]() |
Dù đã bước vào năm học nhưng vẫn khá nhiều sinh viên chưa tìm được phòng trọ. |
Đắt đỏ nhất phải kể đến khu vực quanh trường đại học Bách Khoa, Ngoại Thương, Đại Học Luật, Giao thông Vận tải với mức giá cho thuê từ 3,5 triệu đồng cho 15m2, chưa kể tiền điện, nước. Chủ nhà yêu cầu khách thuê phải đóng tiền trước mùng 5 hằng tháng, nếu nộp chậm liên tiếp 3 tháng sẽ bị nhắc nhở và bị đuổi khỏi phòng. Các phòng này thông thường sẽ tách riêng với chủ, có cầu thang, lối đi riêng, được lát gạch hoa, vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài các phòng trọ, tại đây còn có khá nhiều chung cư mi ni có diện tích từ 20 - 30 m2 được chủ nhà cho thuê với giá từ 4 triệu - 5,5 triệu đồng, chung cư 1 khách 1 ngủ có giá từ 7 triệu - 11 triệu đồng.
Giá nhà trọ ở các khu vực xa trung tâm rẻ hơn, càng gần trung tâm càng đắt đỏ. Tại Nhổn, nhà dãy lợp ngói pờ rô xi măng rộng khoảng 10 m2 có giá từ 1.000.000 đồng mỗi tháng. Phòng 12m2 giá cao hơn, khoảng 1.200.000 triệu đồng. Khu vực Đại La, Khương Đình giá đắt hơn, khoảng 1,7 triệu đồng cho 10m2 nhà dãy, công trình phụ khép kín.
Nguồn cung khan hiếm nên nhiều khu tập thể cũ cũng được cải tạo lại cho thuê. Một căn tập thể cũ rộng khoảng 40 m2, có công trình phụ khép kín bao gồm cả ban công đua ra ngoài, gồm 3 phòng nhỏ được chào thuê với giá 6 triệu đồng từ đầu năm thì nay đã lên tới 7,5 triệu đồng tùy chất lượng và vị trí.
Dù giá phòng khá cao nhưng sinh viên còn phải trả những chi phí sinh hoạt hàng tháng như tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, máy giặt,… Phụ phí trả cho sự tiện nghi hàng tháng này cũng không hề rẻ, có thể mất gần bằng nửa tháng tiền trọ hoặc thậm chí nhiều hơn.
Giá trọ tăng cao trước thời điểm nhập học khiến nhiều sinh viên “khóc ròng” vì không thể tìm được phòng phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính. “Cách đây 2 tháng, em được các anh chị, người thân trên Hà Nội tư vấn tìm phòng trọ khép kín, đầy đủ nóng lạnh và điều hòa sẽ tầm 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng không quá khó và có thể ở 2-3 người.
Nhưng thực tế, khi lên Hà Nội, em tìm thấy chủ yếu giá phòng từ 4 triệu đồng/tháng trở lên và chủ cho thuê cũng chỉ khuyến khích ở 2 người. Tính ra, mỗi người mất ít nhất 2 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí điện nước, dịch vụ”, em Lê Văn Nam (sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương) bày tỏ lo lắng.
Không quá khó khăn về mặt tài chính nhưng em Tâm Anh (sinh viên Học viện Ngoại Giao) cũng đã tất tả tìm phòng trọ gần trường cả tuần nay mà chưa thuê được. Tâm Anh cho biết: “Bố mẹ cho em và 2 người em họ 5 triệu đồng/tháng để thuê phòng gần trường. Lúc em tới xem phòng thấy diện tích chỉ khoảng 25m2, không xứng đáng với số tiền bỏ ra nên em không thuê. Tới lúc em tìm không được phòng tốt hơn, quay lại hỏi thì cũng đã có người khác thuê mất rồi”.
Nên thay đổi sự lựa chọn
Theo bà Phạm Phương Linh, Giám đốc Công ty Bất Động Sản Sany Home, tại khu vực nội thành Hà Nội, giá nhà cho thuê nhìn chung đã tăng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân khiến giá nhà cho thuê tăng cao vì thị trường đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, nguồn lao động và lượng sinh viên lớn đang dần đổ về Hà Nội học tập và làm việc khiến nhu cầu tìm nhà trọ tăng cao.
“Giá nhà cho thuê tăng cao cũng đến một phần từ nguồn cung mới tương đối khan hiếm. Ngoài ra, việc thị trường bất động sản đang tăng nóng cùng sự mất giá của đồng tiền cũng khiến giá nhà cho thuê cao hơn so với năm ngoái”, bà Phương Linh chia sẻ thêm.
Bà Linh cho rằng, người có nhu cầu thuê nhà nhưng không có hầu bao rủng rỉnh có thể tìm đến những khu vực nằm xa trung tâm để tiết kiệm chi phí. “Mọi người không cần phải thuê nhà có thiết kế quá sang trọng, lộng lẫy mà chỉ cần đẩy đủ tiện nghi, thậm chí đáp ứng ở mức cơ bản là được”, bà cho biết.
![]() |
Tại khu vực Chùa Láng, phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 được cho thuê với giá 1,4 triệu đồng. |
Trong khi đó, bà Thu Thủy, quản lý của một công ty chuyên phát triển dự án bất động sản cho thuê tại Hà Nội, cho biết quận Hà Đông đang là điểm sáng ở khu vực ngoại thành. Giá thuê nhà tại đây rẻ hơn so với những quận nội thành, yếu điểm về việc di chuyển cũng đã được khắc phục nhờ sự xuất hiện của hệ thống đường sắt trên cao.
“Học sinh - sinh viên có thể ở ghép để giảm thiểu chi phí. Nhiều bạn mua hẳn giường đôi để tối ưu số người ở cùng một phòng”, bà Thủy chia sẻ thêm về cách giảm tiền thuê nhà. Ngoài ra, bà Thủy cũng cho rằng việc tăng giá thuê nhà chỉ là một hiện tượng tạm thời và giá cả sẽ dần ổn định trở lại, sau khi các tân sinh viên nhập học được 2-3 tháng.
Bên cạnh việc ở ký túc xá, học sinh - sinh viên cũng có nhiều lựa chọn khác để giảm thiểu chi phí thuê nhà ví dụ như thuê các homstay ở ghép. Hiện tại có rất nhiều homstay đầy đủ tiện nghi tại Hà Nội cho thuê với giá 1 triệu đồng/ người/ tháng. Hoặc ở tại các khu nhà trọ xa trung tâm như khu vực Hoài Đức, Đan Phượng…
Ngoài ra, theo chia sẻ của nhiều người, thuê phòng tại Làng sinh viên Hacinco cũng là một lựa chọn được nhiều người ủng hộ. Được biết, đây là dự án xã hội hóa giáo dục nên giá thuê sẽ rẻ hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, số phòng ở đây rất hạn chế, nhiều hộ gia đình cũng đến đây thuê để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, sinh viên muốn thuê phải canh đúng thời điểm, đăng ký thật sớm thì mới thuê được phòng.
Bình luận