Nhiều sự lựa chọn cho học sinh trượt lớp 10 công lập tại TP.HCM Giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục leo thang, chưa thấy hạ nhiệt TP.HCM: Di dời khẩn cấp các hộ dân sống tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo

Theo dự báo của Cảng vụ Hàng không miền Nam, cao điểm hè năm nay, tổng số lượng khách đi/đến qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vượt 114.000 lượt khách. Con số này cao hơn cả dịp lễ 30/4 và cũng vượt dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại tín hiệu tích cực cho mùa hè, góp phần phục hồi ngành hàng không khi nhu cầu đi chơi, du lịch, công tác… dần khôi phục.

Tuy nhiên, việc lượng khách tăng đột biến kèm theo giá nhiên liệu và chi phí nhân công tăng cao, khiến giá vé máy bay theo đó cũng tăng "nóng" từng ngày. Theo khảo sát của Phóng viên Báo Lao động Thủ đô, trên các kênh bán vé trực tuyến, ở chặng bay TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines, nếu chọn bay vào dịp cuối tuần, khách hàng sẽ phải trả mức giá gần 7 triệu đồng/vé khứ hồi. Vé máy bay hạng thương gia của Vietnam Airlines có giá hơn 8,6 triệu đồng/chiều, đây là vé đã được niêm yết công khai và dự kiến sẽ tăng theo từng ngày.

Giá vé máy bay tăng
Cao điểm hè năm nay, tổng số lượng khách đi/đến qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vượt 114.000 lượt khách.

Tương tự, giá vé máy bay của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng đang tăng theo từng ngày với chặng TP.HCM - Hà Nội. Vé máy bay Vietjet Air đang ở mức 4 - 5 triệu đồng/vé khứ hồi đối với hạng vé ECO, hạng vé SkyBoss có giá hơn khoảng 9 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi.

Giá vé máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways đối với chặng TP.HCM - Hà Nội có giá tương ứng từ khoảng từ 4 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/vé khứ hồi tuỳ vào từng hạng vé.

Anh Trần Xuân Trường (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết, vì có việc đột xuất vào ngày 28/6 nên anh phải mua vé máy bay về Quảng Bình. Tuy nhiên, khi lên các trang mua vé trực tuyến, anh Trường khá bất ngờ khi giá vé đã tăng gần như gấp rưỡi so với 2 tháng trước, từ mức gần 1,5 triệu đồng/chiều tăng lên 2,4 triệu đồng/chiều. So với đi tàu và đi xe khách, giá vé may bay hiện có mức chênh lệch gấp 4 lần đối với chặng TP.HCM - Đồng Hới (Quảng Bình).

"Tôi chỉ mong giá vé tăng cao thì chất lượng phục vụ cũng phải cải thiện, không bị delay như thời gian trước nữa", anh Trường nói.

Vừa trở về Việt Nam sau chuyến du lịch sang Singapore cách đây 2 tháng, chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) định đặt vé để cho bố mẹ đi nghỉ mát tại Singapore, tuy nhiên chị Hằng bất ngờ khi giá vé đã tăng khoảng 30%.

"Cách đây 2 tháng tôi đặt vé chặng TP.HCM -Singapore giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/chiều, bây giờ đặt lại cho bố mẹ thì giá đã tăng lên 2 triệu đồng/chiều”, chị Hằng cho biết.

Lý giải việc tăng chuyến nhưng vé máy bay vẫn tăng cao, các hãng hàng không cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do lượng khách tăng đột biến sau dịch Covid-19 và giá nhiên liệu, nhân công tăng cao. Trong đó, giá nhiên liệu chiếm 30-40% trong tổng chi phí của hãng bay. Hiện giá nhiên liệu bay Jet-A1 hiện đã lên tới 140 USD/thùng, buộc các hãng phải tăng giá vé để bù chi phí.

Đại diện Vietnam Airlines thông tin, bản thân hãng đang gặp rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu, nhiên liệu bay tăng mạnh. Dù giá vé máy bay có tăng nhưng giá nhiên liệu liên tục tăng cao khiến chi phí hoạt động của hãng tăng thêm hàng ngàn tỉ đồng. Hiện, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I/2022 chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới.

Theo đại diện Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO), từ ngày 1/6 - 15/8, đơn vị sẽ cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay. Trong số đó, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 6,3 triệu chỗ thị trường nội địa, tương ứng hơn 32.400 chuyến bay, tăng 10% so với cùng kỳ trước đại dịch Covid-19 là năm 2019.

Các đường bay nhộn nhịp nhất là giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với gần 160 chuyến bay mỗi ngày kết nối các thành phố này. Mỗi ngày cũng sẽ có hàng trăm chuyến bay kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trên toàn quốc như: Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn, Đồng Hới, Tuy Hòa, Côn Đảo… Vietnam Airlines Group sẽ khai thác xấp xỉ 430 chuyến bay nội địa mỗi ngày trong dịp cao điểm hè.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng quyết định tăng 15% số chỗ so với hiện tại, chủ yếu trên các đường bay đến các điểm du lịch Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... và đường bay trục Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng.

Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet Air cũng tăng cường mở bán vé máy bay, tăng tải để phục vụ hành khách cao điểm hè. Theo đó, Vietjet khai thác trở lại loạt đường bay kết nối Cần Thơ với Nha Trang, Đà Lạt, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội và các đường bay quốc tế kết nối Cần Thơ với Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan).

Không để ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Để đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân và góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tăng cường theo dõi tình hình giao thông tại khu vực.

Kịp thời điều tiết, sắp xếp linh hoạt cho các loại hình vận tải hành khách như xe buýt, taxi, xe công nghệ,… tăng tần suất phục vụ giải tỏa lượng khách đến, đặc biệt là trên làn B, làn C Ga Quốc nội; không để xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông bên trong sân bay kéo dài ra đường Trường Sơn.

Sở GTVT TP.HCM cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tăng cường hoạt động vận tải hành khách công cộng (xe buýt, taxi, xe công nghệ) nhằm giải tỏa lượng khách đến, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tăng cường theo dõi tình hình giao thông tại khu vực sân bay, kịp thời báo cáo đề xuất phương án khắc phục nếu xảy ra mất trật tự an toàn giao thông.