Giảm thiểu thiệt thòi cho lao động phi chính thức
Người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi |
Hiện nay, người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi như không được pháp luật lao động ...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê được đưa ra tại khóa tập huấn "Kỹ năng đưa tin về lao động phi chính thức" do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức mới đây, hiện Việt Nam có 33,632 triệu người là lao động phi chính thức, chiếm tỷ lệ 68,5%.
Lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ rất cao trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Lao động phi chính thức tồn tại như một thành phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển có quy mô dân số lớn như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, lao động phi chính thức ở Việt Nam thực sự là lao động yếu thế với trình độ kỹ năng thấp, việc làm mang tính chất tạm thời, thiếu các bảo trợ xã hội và khó có thể bảo đảm mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình.
Trao đổi tại khóa tập huấn, bà Igrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng lao động phi chính thức thường có mức độ bảo vệ kém, không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, không được bảo đảm an sinh khi bị ốm, nghỉ hưu, tai nạn lao động... Những điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong toàn xã hội.
![]() |
Lao động khu vực phi chính thức còn thiếu các bảo trợ xã hội. (Ảnh minh họa: P.D) |
Theo chuyên gia của ILO tại Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt trong việc giảm tỷ trọng lao động phi chính thức, nằm ở mức độ trung bình trong số các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các nỗ lực chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.
Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao, phát triển mạnh, nhiệm vụ tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tình trạng lao động phi chính thức ngày càng quan trọng.
Chuyên gia của ILO tại Việt Nam cũng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng lao động phi chính thức, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định ở các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh chính thức cho thuê lao động.
Cùng đó, Nhà nước cần có những chế tài xử lý mạnh hơn về những hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động của người sử dụng lao động đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn về tầm quan trọng và lợi ích của bảo hiểm xã hội không chỉ đối với người lao động mà với cả người sử dụng lao động.
Đặc biệt, Nhà nước cần bổ sung các hình thức được thụ hưởng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện trong luật bảo hiểm xã hội cũng như tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; khuyến khích người lao động tự nâng cao trình độ để tìm kiếm được một công việc tốt.
Bình luận