Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Bùng nổ nhiều chương trình ưu đãi lớn trong ngày Black Friday 2022 Phát triển bưởi Diễn gắn với thương hiệu OCOP

Bưởi Đỏ Đông Cao có từ cách đây khoảng 60 năm về trước. Bưởi Đỏ nổi bật từ hình thức bên ngoài, mang sắc đỏ tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng, may mắn. Cùng với đó là hương thơm đặc trưng nên được nhiều người dân chọn mua bày mâm ngũ quả trong dịp Tết Nguyên đán.

Gìn giữ, phát triển thương hiệu bưởi Đỏ Đông Cao
Từ lâu bưởi Đỏ đã trở thành niềm tự hào của người dân thôn Đông Cao.

Mặc dù quý hiếm là vậy nhưng có thời kỳ bưởi Đỏ gần như bị thất truyền do bưởi Diễn lên ngôi khiến diện tích trồng bưởi đỏ bị thu hẹp. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, mô hình trồng bưởi Đỏ lại đang được người dân tập trung phát triển rộng rãi bởi mang lại kinh tế cao hơn so với các giống bưởi khác.

Năm 2015, khi nhận thấy những giá trị từ cây bưởi Đỏ, người dân trong thôn đã kết hợp với Trung tâm bảo tồn gen khôi phục lại cây giống bản địa và nhân rộng thay thế bưởi Diễn. Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao cũng được ra đời nhằm duy trì giống đặc sản quý hiếm, đưa giống bưởi Đỏ này đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Bưởi Đỏ khi còn non thì có màu xanh, khi già quả có màu vàng, tới lúc chín sẽ chuyển sang màu đỏ trông rất đẹp mắt. Bên trong quả bưởi, tép bưởi có màu hồng đào. Bưởi được chia làm 2 dòng thu hoạch theo thời kì, vào tháng 8, 9, 10 dòng bưởi có vị dôn dốt, chua nhẹ, dòng thu hoạch từ tháng 10 đến Tết sẽ có vị ngọt dịu mọng nước. Bưởi Đỏ Đông Cao không chỉ đẹp về sắc mà còn có hương thơm nên được người dân chọn mua trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo những người trồng bưởi, giống bưởi này phù hợp với thời tiết lạnh, những năm thời tiết lạnh nhiều, bưởi có màu đỏ sẫm, đẹp mắt hơn. Mỗi quả bưởi nặng trung bình từ 1 -1,5kg, giá bán tại vườn trung bình 90 nghìn đồng/quả.

Gìn giữ, phát triển thương hiệu bưởi Đỏ Đông Cao
Bưởi Đỏ khi còn non thì có màu xanh, khi già quả có màu vàng, tới lúc chín sẽ chuyển sang màu đỏ trông rất đẹp mắt.

Nhắc đến hộ gia đình trồng nhiều và gắn bó với bưởi Đỏ Đông Cao không thể không nói đến gia đình ông Lương Văn Phương. Cũng bởi giống bưởi Đỏ thuần chủng không còn nhiều nên gia đình ông Phương phải trải qua quá trình nhân giống khá vất vả.

Từ cây bưởi Đỏ có tuổi đời 55 - 60 năm do cha ông để lại, ông Phương tiến hành chiết cành và bán cho các thành viên của Hợp tác xã và người dân trong thôn. Gia đình ông Phương cũng thu mua những cây bưởi có tuổi đời lâu năm mà người dân buộc phải bỏ trong quá trình canh tác, sản xuất. Đến nay, gia đình ông Phương có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và và hàng trăm gốc bưởi có tuổi đời từ 25 - 30 năm đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm.

Năm 2020, tham gia chương trình OCOP (huyện Mê Linh), bưởi Đỏ Đông Cao vinh dự được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, mã QR và tiềm năng xuất khẩu. Đây được cho là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thương hiệu bưởi đỏ vươn tầm quốc tế.

Ông Lương Văn Phương - Giám đốc Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao cho biết, để có được những cây bưởi Đỏ chất lượng, việc chăm sóc những cây bưởi giống từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Theo đó, trước khi trồng bưởi giống, người trồng phải xử lý kỹ đất trồng, luống phải đảm bảo độ cao tiêu chuẩn và đảm bảo khoảng cách gieo trồng.

Gìn giữ, phát triển thương hiệu bưởi Đỏ Đông Cao
Dịp Tết Nguyên đán, người dân tất bật thu hoạch bưởi giao cho khách, trung bình bưởi Đỏ có giá 90 nghìn đồng/quả.

Những cây bưởi Đỏ được hình thành sau quá trình ươm tạo khoảng 5 - 6 tháng sẽ được đưa vào công đoạn ghép. Sau quá trình chăm sóc, chăm bón, khoảng tầm 3 năm cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Ứớc tính năm nay, xã Tráng Việt có khoảng 8.000 quả bưởi được xuất bán ra thị trường.

Ông Lương Văn Phương - Giám đốc Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao cho biết: Trước đây chưa có nhiều người biết đến giống bưởi Đỏ, do đó việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của nhiều kênh thông tin, truyền thông đã lan tỏa đến người tiêu dùng, nhờ đó thương hiệu bưởi Đỏ dần được khẳng định vị thế trên thị trường.

Mặc dù là dòng bưởi quý hiếm, đem lại hiệu quả kinh tế nhưng hiện nay Hợp tác xã đang thiếu kênh tiêu thụ liên kết bền vững, chủ yếu là thương lái đến tận vườn thu mua. Để gìn giữ, phát triển mô hình trồng, ông Phương cùng các thành viên trong Hợp tác xã đang cố gắng tìm kiếm thị trường ổn định, mong muốn có cơ hội đưa sản phẩm bưởi Đỏ Đông Cao vào các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước, đưa bưởi Đỏ ra thị trường quốc tế.