Gỡ khó, kích cầu phát triển du lịch phía Nam của Thủ đô
Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh Đánh thức tiềm năng để phát triển du lịch Sơn Tây - xứ Đoài |
Tọa đàm nhằm không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”, đồng thời thúc đẩy kết nối với các điểm đến di tích, di sản và làng nghề trên địa bàn Thành phố.
Toàn cảnh Toạ đàm. |
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, chương trình nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố Hà Nội; phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, dịp này, Sở Du lịch triển khai xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”.
Ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm. |
“Đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng. Định hình nên các tuyến du lịch nội đô, trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cung cấp các dịch vụ có chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết.
Tại Tọa đàm, ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, các hướng dẫn viên có nói với tôi là tuyến này mọi người rất ít đi. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức sẽ trở thành dấu ấn cho du lịch Thủ đô trong một giai đoạn mới. Hôm nay, đoàn khảo sát đang chỉ dừng lại ở mỗi địa phương 1 địa điểm đặc trưng. Hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tính toán lựa chọn thêm các sản phẩm khác.
Các bên ký Bản ghi nhớ hợp tác. |
Từ đó, có thể nhân rộng ra khai thác các giá trị của địa phương. Đặc biệt, địa phương rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, vì mỗi doanh nghiệp nắm được những thị trường khách du lịch khách nhau để đa dạng được các dịch vụ. Tôi mong rằng, với sự nỗ lực của các bên sẽ không ngừng nâng cao chất lượng tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”, qua đó, quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh du lịch vùng phát triển”.
Còn ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á nhận định: “Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” đi qua nhiều làng nghề với giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Làm thế nào để tuyến này có sức hút thì là câu chuyện cần phải bàn. Du khách đến các điểm du lịch thì họ rất cần sự trải nghiệm, và giá trị nằm ở sự trải nghiệm. Mỗi làng nghề cần tạo ra một không gian riêng biệt, ví dụ như làng nghề Quảng Phú Cầu, ở Ứng Hòa, cần có một không gian để du khách được trải nghiệm làm nghệ nhân và xung quanh có dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hay ở Mỹ Đức, làng dệt lụa Phùng Xá thì chỉ có nghệ nhân Phan Thị Thuận làm được. Ví dụ trải nghiệm đi hái lá dâu về cho tằm ăn, chúng ta cần quy hoạch bãi trồng dâu. Chúng ta rất cần một hợp tác xã làng nghề để cùng chung tay hỗ trợ nhau làm du lịch”.
Bà Hoàng Thị Mai, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khám phá châu Á cho hay: “Tôi là người con Ứng Hòa, nhưng lần đầu tiên đến với Thanh Oai và Mỹ Đức. Chúng ta đã liên kết được tuyến du lịch này, nó có sự độc đáo về văn hoá cội nguồn. Để thực sự liên kết với tuyến du lịch từ trung tâm Hà Nội đến các làng nghề phía Nam Thủ đô và thu hút khách du khách quốc tế thì cần nỗ lực hơn nữa. Ví dụ, vấn đề môi trường xanh, sạch, đẹp cần quan tâm hơn nữa và cần giữ gìn cốt cách của người dân bản địa”.
Không thể phủ nhận khu vực phía Nam của Thủ đô Hà Nội với đậm đặc các làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử,… gắn với sự phát triển nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, lịch sử đất nước và đặc biệt là lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Kết nối trung tâm Hà Nội với ba huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức thông qua trục quốc lộ 21B sẽ tạo ra những nét đầu tiên của bức tranh du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”; kết hợp với nhiều tuyến du lịch đường bộ, đường thủy, thậm chí là đường sắt trong khu vực phía Nam Hà Nội, từ đó, chúng ta sẽ có đầy đủ chi tiết và sắc màu cho bức tranh phát triển du lịch phía Nam của Thủ đô.
Kết luận buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, những ý kiến của đại biểu, chuyên gia, đại diện các đơn vị lữ hành tham dự chương trình đã góp ý và chia sẻ để Sở Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tiếp tục nghiên cứu và phát triển tuyến du lịch. Qua đó, góp phần đưa tuyến du lịch trở thành hoạt động du lịch bền vững trên “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”, hòa quyện cùng sự phát triển kinh tế - xã hội chung trong khu vực, tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Tại Tọa đàm, đại diện Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, Chi hội Lữ hành Hà Nội và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã cùng ký Bản ghi nhớ hợp tác với đại diện lãnh đạo của một số điểm đến du lịch trọng điểm trên tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, nhằm không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”, đồng thời thúc đẩy kết nối với các điểm đến di tích - di sản và làng nghề trên địa bàn Thành phố.
Phương Bùi
Bình luận