Hà Nội phấn đấu tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng TP.HCM: Đề xuất gần 360 tỷ đồng thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động xe buýt

Hướng đi tất yếu

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có quy mô 8,3 triệu dân, hơn 7,6 triệu phương tiện các loại, trong đó có hơn 1 triệu ô tô, gần 6,5 triệu xe gắn máy. Với dân số đông, nhịp độ đô thị hóa mạnh mẽ, trong 10 năm qua, mặc dù hạ tầng giao thông Thành phố đã có sự phát triển nhanh chóng, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhưng ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề nan giải.

Trong bối cảnh hiện tại, phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là xe buýt được coi là giải pháp khả thi, bền vững để giảm ùn tắc giao thông. Điều này càng quan trọng hơn khi mạng lưới đường sắt đô thị, metro đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Hà Nội cần tiếp thêm động lực để
Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường đang là hướng đi của Hà Nội.

Được coi là chìa khóa, giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm đô thị và quá tải hạ tầng giao thông, xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường đã và đang là mục tiêu của Hà Nội hướng đến. Với việc triển khai nhiều loại hình giao thông mới, Hà Nội đang từng bước thực hiện “xanh hóa” phương tiện giao thông công cộng.

Đó là việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 10 tuyến xe buýt điện, 7 tuyến buýt sử dụng xe chạy bằng khí nén CNG, 1.000 xe đạp công cộng (500 xe đạp điện và 500 xe đạp cơ).

Trong số đó, xe buýt điện là phương tiện công cộng được nhiều người dân tin dùng bởi thái độ tài xế lịch sự, xe không mùi, không tiếng ồn, không ô nhiễm. Chính thức lăn bánh tại Hà Nội vào ngày 21/12/2021, sau 2 năm hoạt động, 10 tuyến xe buýt điện đã được người dân đánh giá cao về cả chất lượng phục vụ cũng như chất lượng phương tiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khuyến khích người dân ủng hộ xe buýt năng lượng xanh thì cũng cần tiếp tục quan tâm đến các yếu tố như: Hạ tầng dịch vụ, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ...

Ở góc độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường cũng được nhiều đơn vị vận tải của Thủ đô chú trọng. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - một trong những đơn vị vận hành xe buýt chủ lực của Thủ đô là ví dụ.

Hà Nội cần tiếp thêm động lực để
Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện và đưa vào sử dụng phương tiện giao thông công cộng khối lượng lớn, thân thiện với môi trường.

Theo đó, trong nhiều báo cáo tổng kết cũng như định hướng phát triển, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đều thống nhất rằng, xu hướng, yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là dần chuyển đổi các loại phương tiện sang sử dụng năng lượng sạch.

Do vậy, việc thay thế phương tiện mới, hoạt động trên các tuyến buýt đều nằm trong kế hoạch thay mới đoàn phương tiện của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Tháo gỡ rào cản cách nào?

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Quyết tâm “xanh hóa” giao thông công cộng của Hà Nội là phù hợp với cam kết quốc tế của Chính phủ là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt được mục tiêu này thì vẫn còn những rào cản nhất định.

Hà Nội cần tiếp thêm động lực để
Phương tiện giao thông xanh như xe đạp được chú trọng phát triển.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, hiện có nhiều rào cản với việc “xanh hóa” là cơ chế chính sách, nguồn lực chuyển đổi và hạ tầng phục vụ. Đây là điều các cơ quan quản lý cũng nhìn nhận rõ. Điều này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành cũng như các đơn vị doanh nghiệp liên quan.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để đáp ứng đúng theo lộ trình của Chính phủ và Thành phố đưa ra, mỗi năm cần chuyển đổi gần 200 phương tiện, bởi vậy cần phải có hạ tầng thật tốt để phục vụ hoạt động này. “Nguồn điện cung cấp cho các phương tiện khi chuyển đổi là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Hoàng Hải lưu ý.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng chia sẻ, hiện việc đầu tư cho công nghệ cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi chi phí cho chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn, góp phần giúp hoạt động “xanh hóa” thành công.

Hà Nội cần tiếp thêm động lực để
Khi “xanh hóa” phương tiện giao thông công cộng, việc ùn tắc sẽ từng bước được giảm thiểu.

Ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội thông tin, hiện Trung tâm đã tham mưu cho các cơ quan như Sở và Thành phố định mức đơn giá liên quan. Trong đó, Hà Nội ưu tiên sử dụng phương tiện sạch trong đấu thầu, đặt hàng, mở các tuyến xe buýt mới, cùng đó là các chính sách ưu đãi về lãi suất vay, đầu tư phương tiện.

Nhìn ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, để biết phương tiện có thân thiện với môi trường hay không, có tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch hay không thì cần nhận định rõ hơn. Nói cách khác, không phải phương tiện cứ chạy bằng điện là “xanh” hoàn toàn.

Trước mắt, để phương tiện “xanh” hơn thì bên cạnh việc dùng nhiên liệu gì để chạy xe thì cũng cần cả thái độ phục vụ, cung cách phục vụ của xe buýt. Phương tiện chỉ “xanh” trọn vẹn khi có sự kết hợp giữa phương tiện và chất lượng dịch vụ. “Xanh” là cả về phương tiện và con người.