TP.HCM: Đề xuất gần 360 tỷ đồng thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động xe buýt
Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM sẽ khai mạc từ ngày 17/10 Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng dự án thí điểm thanh toán chạm trên 1.000 xe buýt TP.HCM: Khôi phục và mở mới 4 tuyến xe buýt |
Đề án do Trung tâm quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) xây dựng, với kế hoạch nhằm thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trong hoạt động quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Kinh phí đề án dự kiến gần 360 tỷ đồng.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý và hiệu quả đề án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cương yêu cầu Sở GTVT Thành phố khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, làm rõ báo cáo liên quan của đề án trên.
Việc triển khai hệ thống thu soát vé tự động xe buýt được cho biết sẽ giúp TP.HCM tiết kiệm khoảng 300 tỷ đồng/năm cho phí phí nhân viên xe buýt. |
Trong đó có việc bổ sung cơ sở pháp lý liên quan về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, các nghị quyết của Thành phố; cập nhật các chương trình, đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Thành phố đang thực hiện, đảm bảo đồng bộ; dự báo các tác động ảnh hưởng khi áp dụng hệ thống vào thực tiễn, đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội; đề xuất nguồn lực, phương thức thực hiện; nghiên cứu sự đồng bộ đối với các phương tiện giao thông công cộng khác tuyến buýt sông, đường sắt metro...
Từ đó tham mưu, đề xuất và dự thảo Công văn của UBND TP.HCM báo cáo Ban cán sự đảng UBND Thành phố trước ngày 15/10/2023.
Trước đó Sở GTVT có báo cáo số 10009/SGTVT-VTĐB, kiến nghị UBND Thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đề xuất này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố thống nhất về việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để thực hiện.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (chủ đề án), mục tiêu của đề án là bảo đảm lộ trình áp dụng thanh toán tự động trên toàn bộ các tuyến xe buýt vào năm 2025; hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin về nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chuẩn bị hệ thống vé điện tử đảm bảo khả năng tương thích và tích hợp mở rộng thanh toán liên thông với các loại hình giao thông công cộng khác trong tương lai bao gồm xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, buýt đường sông… Đồng thời góp phần giảm dần kinh phí trợ giá thông qua việc tiết kiệm chi phí tiếp viên trên xe buýt (tiết kiệm khoảng 300 tỷ đồng/năm).
Theo đề xuất, đề án sẽ triển khai hệ thống phần cứng và phần mềm có khả năng đáp ứng cho khoảng 2.000 xe buýt. Riêng phần mềm có khả năng đáp ứng kết nối, điều hành 5.000 phương tiện tại cùng một thời điểm.
Thiết kế kỹ thuật hệ thống bao gồm thiết bị bán vé trên xe, thiết bị soát/bán vé cầm tay, hệ thống máy tính chủ trung tâm, hệ thống phần mềm quản lý. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2028.
Hiện nay Thành phố đang có 129 tuyến xe buýt hoạt động (2019 xe buýt với khoảng 13.000 chuyến xe mỗi ngày), bao gồm 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá (gồm 100 tuyến nội tỉnh và 29 tuyến liên tỉnh liền kề). Việc thu soát vé và thanh toán được thực hiện chủ yếu theo phương thức thủ công. Hàng năm, Thành phố dành một khoản ngân sách trợ giá cho các tuyển xe buýt có bố trí tiếp viên để thu tiền bán vé trực tiếp từ hành khách. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận ngay của người dân khi triển khai hệ thống thẻ vé điện tử liên thông giữa xe buýt và các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng khác như tuyến đường sắt đô thị số 1, xe buýt nhanh số 1..., nhất là khi các loại hình này đi vào hoạt động và đều sử dụng hệ thống vé điện tử trong tương lai. Trong khi đó, việc áp dụng hệ thống vé điện tử là cơ sở để Thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách, từ đó gia tăng lượng khách sử dụng xe buýt, góp phần tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM. |
Bình luận