Hành trình đưa dép lốp cao su vươn ra thế giới
Hà Nội còn 806 làng nghề và làng nghề truyền thống Đặc sắc làng nghề “thổi hồn” cho quạt giấy Cần chính sách hỗ trợ để phát triển cụm công nghiệp làng nghề |
Nghe câu chuyện kể từ anh Nguyễn Tiến Cường, người được mệnh danh là Vua Dép lốp ở Hà Nội và cũng là người kế thừa nghề làm dép lốp thủ công, mới thấy nỗ lực của những người nghệ nhân trong công cuộc “gìn giữ quá khứ - hướng về tương lai”.
Anh Nguyễn Tiến Cường trong không gian trưng bày dép lốp tại đình Kim Ngân |
Thành phố Hà Nội có ông Phạm Quang Xuân có tay nghề làm dép lốp nổi tiếng. Trải qua năm tháng đổi thay, xoay vần, nghề làm dép lốp cũng như nhiều nghề truyền thủ công khác ở Hà Nội dần mai một. Ông Xuân nhiều lần cũng đã muốn bỏ nghề. May mắn thay, con rể ông Xuân là anh Nguyễn Tiến Cường đã “níu” lấy nghề, duy trì và phát triển cho đến tận ngày nay.
Thật thần kỳ, từ một nghề thủ công chẳng còn hưng thịnh, thì nay dép lốp, “Dép cụ Hồ” của Việt Nam đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Theo lời chia sẻ rất đỗi tự hào của anh Cường, mỗi du khách đến thăm Lăng Bác và mua dép lốp, anh đều thống kê, tính đến nay đã có du khách của 70 nước trên thế giới đặt mua.
“Hồi sinh” nghề làm dép lốp của bố vợ kể từ 9 năm trước, đã có thời, anh Cường mê dép lốp đến nỗi bán được đôi nào anh đều viết thư tay về lịch sử, ý nghĩa của đôi dép. Vì mê dép, anh Cường vào Bảo tàng tìm hiểu, thấy nguyên một tập thơ 300 bài chỉ nói về đôi dép lốp. Đôi dép cao su gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc, là vật không thể thiếu trong quân tư trang của các chiến sĩ.
Để hiểu sâu hơn về dép lốp, anh tìm đến từng chiến trường Điện Biên Phủ, Khe Sanh để thu thập mẫu dép. Sau này, trong các dòng dép đặc biệt của thương hiệu Vua Dép lốp, có dép Khe Sanh, dép Điện Biên Phủ, dép Giải phóng,…
Dép lốp ngày nay có tính ứng dụng cao, bền và đẹp |
Bán dép online được một thời gian, anh Cường quyết định bỏ việc để chuyên tâm vào “chấn hưng” dép cao su. Đem ý định này nói với gia đình, không ai ủng hộ anh, kể cả ông Xuân, người còn đau đáu với nghề. Sau thấy anh quá quyết tâm, ông cũng đồng ý nhưng không có ý định dạy nghề cho anh. Anh Cường phải mày mò học lỏm. Sản phẩm làm ra anh Cường tự tay mang những đôi dép cao su ít ỏi đi chợ đồ cũ Phùng Khoang, chợ Đồng Xuân... bày bán nhưng đều thất bại. Tình trạng ấy kéo dài suốt ba năm.
Sau này, anh Cường đánh bạo đặt vấn đề muốn cống hiến một chương trình làm dép cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh tìm được một nghệ nhân để ngày ngày ngồi ở Bảo tàng làm dép cho khách tham quan Bảo tàng và Lăng Bác. Một thời gian sau, anh Cường được phép bán dép cao su trong Bảo tàng. Anh nói: “Khách nước ngoài đến thăm Lăng Bác, họ nói “good job” (nghề tốt) khi biết chúng tôi làm dép từ lốp xe, chứ họ còn chưa biết đến lịch sử của nghề này”.
Theo anh Cường, dép cao su có ưu điểm là làm từ cao su, rất bền, không thấm nước. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là hơi nặng, hơi cổ. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, anh cùng đội ngũ nghệ nhân đã nâng cấp sản phẩm.
“Nếu như trước đây dép lốp cao su chỉ có màu đen thì nay chúng tôi đã làm cho nó có màu sắc. Trước đây các mẫu dép hơi cổ thì chúng tôi cũng bắt kịp xu hướng trên thế giới, làm các mẫu dép hiện đại hơn, có tính ứng dụng cao hơn.
Chúng tôi không dừng lại, chúng tôi đang tiếp tục giải quyết dần các vấn đề từ mẫu mã đến vật liệu sao cho sản phẩm nhẹ hơn, đẹp hơn, bền hơn và thời trang hơn”, anh Cường cho biết.
Tái hiện mẫu dép thời kháng chiến chống Mỹ |
Anh kể rằng, cái khó nhất trong công việc làm dép lốp chính là cải tiến vật liệu. Nếu chỉ cắt lốp xe ra và làm sản phẩm thì có lẽ thương hiệu “Vua Dép lốp” đã không thể đi xa đến ngày nay, bởi sản phẩm sẽ rất hạn chế, không thể xuất sang các nước tư bản có yêu cầu rất cao. Sản phẩm “Vua Dép lốp” ngày nay đã có mặt trên các thị trường Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Pháp, và đặc biệt thu hút hàng triệu lượt khách mua dép khi đến Hà Nội.
Điều độc đáo của dép lốp là chỉ có thể làm thủ công. Nếu như trước kia, nghệ nhân phải làm mọi công đoạn từ phá lốp cho đến khâu làm xong thành đôi dép có thể đi được, thì nay, anh Cường đã chia quá trình ra thành nhiều công đoạn để thao tác nhanh hơn, làm ra nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Mặc dù nhiều nước có công nghệ cao nhưng cũng không thể bắt chước được. Bởi làm bằng máy thì nhìn là biết ngay. Làm bằng tay, khi lật đế dép lên có thể thấy những vết tích thủ công rõ nét, đó chính là sự “duy nhất” của sản phẩm”, anh Cường khẳng định.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường trình diễn làm dép lốp thủ công |
Thao tác trình diễn quy trình làm dép lốp ngay tại không gian đình Kim Ngân, nghệ nhân Nguyễn Văn Trường cho biết, sau khi thu thập những chiếc lốp, người thợ làm dép tiến hành quay lốp trở thành những tấm cao su. Tiếp theo, thợ sẽ dùng con dao bản to để lọc, lạng mỏng lớp cao su của lốp ô tô, rồi xén theo hình bàn chân để tạo hình cho đế dép. Trên dép đục nhiều lỗ để xỏ quai.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà dép cao su được coi như chứng nhân của lịch sử. Nó không chỉ mang linh hồn, hơi thở của thời đại mà tự bản thân nó cũng có những cải tiến để phù hợp với người dùng ở mỗi thời kỳ. Cho đến ngày hôm nay, dép lốp không chỉ mang câu chuyện lịch sử, nó còn khoác lên mình những yếu tố của thời đại mới: năng động, trẻ trung, bền bỉ và đặc biệt thân thiện với môi trường.
Trên thế giới, hằng năm có tới 1,5 tỷ chiếc lốp xe bị bỏ đi. Chúng sẽ là khối rác thải khổng lồ và vô cùng độc hại nếu như không có sự tham gia của các nhà bảo vệ môi trường hay các doanh nghiệp tái chế. Bởi vậy, cứ mỗi đôi dép lốp được sử dụng là góp phần khiến cho trái đất xanh hơn, môi trường bền vững hơn.
Dấu ấn về dép cao su trong tâm trí của đa số người Việt vẫn là một thứ gì đó cũ kỹ, không hợp thời. Đó là sản phẩm rẻ tiền, có bán giá bao nhiêu cũng vẫn đắt. Anh Nguyễn Tiến Cường đã thay đổi quan niệm này, không chỉ giữ được nghề truyền thống, một “di sản” của Hà Nội, anh còn biến dép cao su trở thành một thương hiệu được thương mại hóa thành công, mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và những người thợ gắn bó với nghề.
Bài và ảnh: Bảo Thoa
Bình luận