Hé mở về ý nghĩa quân sự đặc biệt của Thành cổ Sơn Tây
Nét độc đáo của quần thể cây xanh nơi Thành cổ Sơn Tây Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút 25 vạn khách sau 4 tháng hoạt động Nhiều hoat động đặc sắc dịp Tết Trung thu tại Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây |
Với những đặc trưng như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này trong lịch sử, đồng thời khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Nhiều giá trị lịch sử
Nằm giữa thị xã Sơn Tây, Thành cổ Sơn Tây từ lâu được biết đến là một trong những công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo và còn giữ nguyên vẹn nhất Việt Nam. Tòa thành cũng nằm ở địa thế trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của vùng xứ Đoài, nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của miền Bắc.
Góp bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây (1822-2022), Trung tá, Tiến sĩ Công Phương Khương - Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, sau khi thành lập vương triều Nguyễn (1802), các vị vua Nguyễn, nhất là 2 vị vua Gia Long và Minh Mệnh, đã khẩn trương xây dựng hệ thống thành trên khắp cả nước làm trung tâm hành chính của triều đình và các địa phương.
Thành cổ Sơn Tây là một trong những địa điểm được du khách tìm đến để tham quan, khám phá. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Theo đó, Thành Sơn Tây là một trong 6 tòa thành cấp trấn, doanh, tỉnh thời Nguyễn được xây bằng đá. 5 tòa thành còn lại gồm có Thành Hải Dương, Thành Quảng Ngãi, Thành Hà Tiên, Thành Gia Định và Thành Tuyên Quang.
Thành Sơn Tây có điểm nhấn đặc biệt là được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong, một loại vật liệu đặc trưng, sẵn có với trữ lượng lớn tại xứ Đoài, vừa dễ khai thác, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.
Đáng chú ý, trong những năm đầu thế kỷ XIX, Sơn Tây luôn được coi là một “trọng trấn” (trấn quan trọng) của Bắc Thành. Sau cuộc cải cách hành chính, trấn Sơn Tây trở thành tỉnh Sơn Tây, do triều đình Huế trực tiếp quản lý.
Chung quan điểm về tầm quan trọng của Thành Sơn Tây, Tiến sĩ Tạ Hoàng Vân - Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, Thành Sơn Tây được xây dựng theo cấu trúc của thành Hà Nội, nằm trọn trong khu đô thị vệ tinh Sơn Tây. Đây là đô thị có nhiều giá trị văn hoá, lịch sử và quỹ di tích kiến trúc rất đặc biệt về nghệ thuật đặc trưng vùng văn hóa.
Nằm trong quy hoạch của 2 khu đô thị vệ tinh: Đông Anh (Thành Cổ Loa) và Sơn Tây (Thành Sơn Tây), được kết nối với khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Thủ đô Hà Nội, công trình này đã tạo thành “tam giác tâm linh” rất có ý nghĩa quan trọng với tầm vóc của Thủ đô hiện nay.
Tiến sĩ Tạ Hoàng Vân cũng nhấn mạnh, với tuổi đời 200 năm, Thành cổ Sơn Tây không chỉ khẳng định vai trò của một loại hình kiến trúc độc đáo, vị trí trọng yếu trong không gian địa chính trị, các giá trị lịch sử - văn hóa trong tín ngưỡng của cư dân bản địa… mà hơn nữa, thành cổ Sơn Tây còn trở thành biểu tượng tinh thần, giá trị nhân văn của xứ Đoài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định: Di tích Thành cổ Sơn Tây là một trong những di tích rất quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt. Theo quan điểm của PGS.TS Đỗ Văn Trụ, với ý nghĩa và giá trị của di tích, Thành cổ Sơn Tây có khả năng và xứng đáng đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Làm sao để phát huy?
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa - lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.
Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.
Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là ví dụ. Đây là một trong 4 phố đi bộ của thành phố Hà Nội. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động đã phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm… đã góp phần tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần; thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, thời gian tới Thị xã sẽ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022). Với hoạt động này, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, khẳng định, giới thiệu, quảng bá những giá trị nổi bật về kiến trúc và nghệ thuật của di tích lịch sử Thành cổ.
Thị xã Sơn Tây đã và đang đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử từ Thành cổ. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Đặc biệt, sự kiện sẽ góp phần tích cực trong việc tạo tiền đề để xúc tiến đầu tư kinh tế - du lịch, thu hút các nhà đầu tư về với Sơn Tây. Theo đại diện Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, thị xã sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật trong Thành cổ, thư pháp, diễn xướng hát văn… Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch Thành phố tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch trên địa bàn thị xã; tổ chức cho học sinh học tập và tham quan tại di tích Thành cổ Sơn Tây nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; tổ chức chương trình mời các nhạc sĩ viết về Thành cổ, thị xã Sơn Tây; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ; phối hợp đơn vị liên quan tổ chức lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại trung tâm thị xã.
Trở lại với những giá trị văn hóa, lịch sử mang lại từ Thành cổ Sơn Tây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ cho rằng, bên cạnh việc quan tâm, bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn xanh, sạch, đẹp cho di tích thì thị xã Sơn Tây cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn cho di tích, bố trí những cán bộ chuyên trách để làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Cùng với việc tăng cường việc chăm lo của Nhà nước thì cũng cần kết hợp với việc xã hội hóa, huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, các doanh nghiệp vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây bằng những cơ chế, chính sách cụ thể.
Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về di tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phim tư liệu, tờ gấp, phối hợp với nhà trường, Đoàn Thanh niên thi tìm hiểu về di tích… đồng thời tăng cường kết nối với các di tích có liên quan, các di tích nổi tiếng trong vùng tạo nên các hành trình tham quan hấp dẫn đối với du khách.
Bình luận