Thời tiết thất thường, người trồng hoa "thấp thỏm" chờ Tết TP.HCM: Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu Thúc đẩy ứng dụng blockchain trong hoạt động ngân hàng

Gây dựng thương hiệu hoa đào Vân Tảo

Gần 30 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, đối với gia đình anh Nguyễn Văn Vánh, thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo) không chỉ là một nghề kiếm tiền mà đã trở thành niềm đam mê, là công việc muốn được làm mỗi ngày. Anh Vánh cho biết, với sự sáng tạo, tìm tòi của người dân nơi đây, hoa đào Vân Tảo ngày càng được khách hàng ưa chuộng bởi hội tụ đầy đủ các yếu tố: Dáng, thế, hoa, lộc…

Hầu hết các vườn đào có quy mô tại xã trồng khoảng 300 - 500 gốc, thậm chí có những nhà vườn có trên 1.000 gốc đào. Tiếp nối thế hệ đi trước, nghề trồng đào ở Vân Tảo hôm nay đã có thêm nhiều nhà vườn sở hữu những gốc đào quý, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Hiệu quả mô hình trồng hoa, cây cảnh
Từ nhiều năm nay, có khá nhiều gia đình ở xã Vân Tảo đã chuyển đổi sang trồng hoa đào.

Được biết, xã Vân Tảo phát triển nghề trồng hoa đào từ năm 1990. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó phạm vi mở rộng trồng hoa đào vẫn chưa nhiều. Đặc biệt, từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Vân Tảo đã chuyển mình tăng diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa đào.

Đến nay, ở Vân Tảo cây đào đang là loại cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác. Không chỉ có kinh nghiệm, những người trồng đào của xã cũng nắm vững và áp dụng thành công các kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện… giúp đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán và cho hiệu quả kinh tế cao.

Vân Tảo hiện có 1.200 hộ với 92,4ha trồng hoa đào ở thôn Nội Thôn và thôn Đông Thai cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/ha. Ngoài ra, diện tích gieo trồng rau màu các loại ở Vân Tảo là 99 ha; giá trị bình quân ước đạt khoảng 130 triệu đồng/ha/năm.

Sự chuyển mình của Vân Tảo góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động. Năm 2008, toàn xã có 100 hộ nghèo, với thu nhập 25 triệu đồng/người/năm thì đến nay xã chỉ còn 8 hộ nghèo, thu nhập 69 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết: “Trước đây, cây đào chỉ được triển khai ở một vài thôn nhưng đến nay đã phát triển ra toàn xã. Trong những năm tới, xã tiếp tục chuyển đổi đất lúa truyền thống sang trồng đào và gieo trồng rau màu các loại. Đây là tiền đề có ý nghĩa quan trọng giúp địa phương cải thiện tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Để phát triển bền vững

Để cây hoa đào cũng như các loại hoa, cây cảnh “đứng chân” bền vững trên mảnh đất quê hương, từ năm 2017, UBND xã Vân Tảo đã xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ đào, hoa, cây cảnh cho người nông dân. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng hoa đào tại Vân Tảo vẫn không ngừng được mở rộng. Cây đào không chỉ làm giàu cho các gia đình nông dân Vân Tảo mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động từ một số địa phương lân cận.

Từ sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết trong sản xuất, năm 2012 thôn Nội Thôn đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề cây cảnh truyền thống. Năm 2018 (sau 10 năm mở rộng Hà Nội), Vân Tảo đã hoàn thành và được công nhận xã nông thôn mới.

Hiệu quả mô hình trồng hoa, cây cảnh
Các đơn vị của Thành phố đánh giá, chấm điểm chờ công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống hoa cây cảnh thôn Đông Thai.

Đầu tháng 7/2023, thôn Đông Thai (xã Vân Tảo) cũng đã hoàn thành việc thẩm định, chấm điểm chờ Thành phố xét công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống hoa cây cảnh. Thôn hiện có 482 hộ gia đình thì có tới 321 hộ làm nghề trồng hoa cây cảnh chiếm 67% số hộ trong thôn.

Hầu hết diện tích canh tác đều đã được chuyển đổi sang chuyên canh cây hoa đào, cây cảnh và các loại cây công trình cho thu nhập gấp nhiều lần so với những cây trồng khác. Năm 2022 thu nhập bình quân của người làm nghề trong thôn là 85 triệu đồng/ người/ năm cao hơn mức thu nhập so với bình quân chung của làng là 13 triệu đồng và tăng 7 triệu đồng so với năm 2021. Đặc biệt, vài năm nay người dân trong thôn đã áp dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất hoa mang tính hàng hóa, chất lượng cao.

Để khuyến khích các hộ trồng đào, Đảng ủy, UBND và Hợp tác xã nông nghiệp Vân Tảo thường xuyên mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống đào mới vào trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên 1 ha diện tích đất. Thôn Đông Thai sớm được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống hoa cây cảnh, đây là yếu tố giúp xã sẽ về đích Nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Nguyễn Thanh Liêm khẳng định: "Phát triển diện tích trồng hoa cây cảnh có chất lượng cao đang là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Thường Tín nói chung và xã Vân Tảo nói riêng".

Từ hiệu quả thực tế cho thấy, nó đang trở thành nghề chính chiếm phần lớn trong sản xuất nông nghiệp so với các ngành nghề khác của địa phương.