Bến xe Nước Ngầm sẵn sàng ứng phó với lượng khách tăng 150% Buôn bán hàng giả có thể bị tử hình Nhiều doanh nghiệp công bố thưởng Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, việc có được những chậu hoa, cây cảnh để trưng trong dịp này là không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi nên nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh đang lo lắng.

Làng Tây Tựu nổi tiếng là nơi chuyên trồng và cung ứng ra thị trường với số lượng hoa lớn. Ở đây, người trồng hoa sản xuất quanh năm các loại hoa như: Hồng, cúc, thược dược, ly... Thời điểm cận Tết luôn được cho là khoảng thời gian người trồng hoa bận rộn nhất, bởi họ phải đẩy nhanh tiến độ công việc mới kịp hoa phục vụ thị trường.

Thời tiết thất thường, người trồng hoa
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tuấn (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đang có khoảng 4 sào ruộng trồng hoa phục vụ Tết. (Ảnh: K.Tiến)

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tuấn (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đang có khoảng 4 sào ruộng trồng hoa phục vụ Tết. Ông Tuấn cho biết, năm nay, cúc là loại hoa được gia đình ông trồng chủ lực bởi thời gian sinh trưởng của cây tương đối ngắn. Tuy nhiên, thời tiết năm nay lạnh và nóng bất thường, do vậy ông cũng như những hộ dân ở Tây Tựu cũng đang lo lắng.

“Hiện tại, gia đình tôi có 1 sào cúc trồng phục vụ Tết Nguyên đán đã chắc chắn thắng. Giờ chỉ lo thời tiết từ giờ đến Tết Nguyên đán. Nếu thời tiết cứ ổn định, không biến động nhiều thì đỡ lo. Nhưng thời tiết cứ mấy hôm lạnh, lại mấy hôm nóng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Tôi xem dự báo thời tiết thấy báo mấy hôm nữa lại rét đậm nên vô cùng sốt ruột”, ông Tuấn bày tỏ.

Cũng theo ông Tuấn, trồng hoa Tết đem lại thu nhập chính cho nông dân ở Tây Tựu. Đây là vụ hoa được kỳ vọng nhất trong năm. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà con cắt giảm diện tích, năm nay mạnh dạn trồng nhiều hơn thì lại gặp thời tiết cực đoan.

Tương tự, thời điểm này, nông dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng đang tất bật dọn dẹp, chăm nom vườn hoa ly nhà mình để chờ thu hoạch vụ Tết. Theo những người trồng, hoa ly là một loài hoa “khó tính”, đất trồng phải luôn sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng thì cây mới phát triển tốt không thì rất dễ “đổ bệnh”.

Năm nay điều kiện canh tác trồng ly thuận lợi hơn mọi năm nên cây ít sâu bệnh, thân ly mập mạp, lá dày, xanh tốt, nụ hoa cũng mẩy. Theo ông Nguyễn Văn Nhượng (xã Hạ Mỗ), năm nay, thời tiết bất thường nên rất có thể hoa ly sẽ được thu hoạch sớm hơn.

“Tuy nhiên, với giống ly thì đỡ lo hơn là cúc, thược dược hay những loại hoa khác vì với ly chúng tôi có thể thu về bỏ vào kho lạnh độ 1 tuần lấy ra hoa vẫn nở đẹp bình thường, không ảnh hưởng gì về chất lượng hoa”, ông Nhượng cho biết.

Thời tiết thất thường, người trồng hoa
Hiện nay, người nông dân tại các làng hoa đang tích cực chăm sóc để có hoa phục vụ Tết. (Ảnh: K.Tiến)

Khác với ở Tây Tựu hay Đan Phượng, Mê Linh lại là “thủ phủ” của hoa hồng. Ở đây, bà con trồng rất nhiều loại hồng, từ hồng cổ, hồng ngoại cho đến những cây hồng thế, hồng bonsai… Năm nay, ngoài việc trồng hoa cho vụ Tết, người dân Mê Linh còn phải chăm sóc hoa để phục vụ cho Lễ hội hoa Mê Linh nên công việc rất bận rộn.

Chủ nhà vườn Sơn Thủy (huyện Mê Linh) cũng cho biết: “Năm nay thời tiết không ủng hộ người trồng hoa, tiết trời hanh khô nên chúng tôi chăm cây cũng tương đối vất vả. Chất lượng hoa năm nay nhìn chung cũng được nhưng thực lòng mà nói vẫn chưa đạt đến độ mỹ mãn”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người nông dân ở các làng hoa vẫn đang trông đợi thời tiết và hy vọng một mùa vụ bội thu với đủ các loại hoa xuân.