Hiệu quả từ việc lấy văn hóa làm động lực phát triển
Sơn Tây: Tìm hướng mở rộng không gian phát triển Cải thiện thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn Độc đáo nghề nuôi trai ngọc ở Sơn Tây |
Vùng đất nhiều tiềm năng
Sơn Tây xưa là một trong “tứ trấn”, nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, còn gọi là trấn Đoài với vị thế đã từng là thủ phủ xứ Đoài, là đô thị cổ được hình thành từ thế kỷ XV. Sơn Tây được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất hai vua”, có bề dày lịch sử - văn hóa đặc sắc bồi đắp qua hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc.
Ngày nay, Sơn Tây là một đô thị của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây, văn hóa xứ Đoài được hòa quyện, cộng hưởng cùng các giá trị văn hiến nghìn năm của Thăng Long Hà Nội. Cùng đó, Sơn Tây tự hào có gần 400 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 19 di tích và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nhiều di sản cấp tỉnh, tiêu biểu như: Đền Và, chùa Mía, đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ, đình Thanh Vỵ, Văn Miếu Sơn Tây...
Thành cổ Sơn Tây - di tích tiêu biểu của vùng đất Sơn Tây xứ Đoài. Ảnh: Đinh Luyện |
Đặc biệt là làng cổ ở Đường Lâm - ngôi làng duy nhất còn lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán điển hình của làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ - “bảo tàng sống” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Ngoài ra, vùng đất xứ Đoài còn có Thành cổ Sơn Tây - một trong “Tứ trấn thành” bảo vệ kinh thành Thăng Long, là tòa thành đá ong duy nhất ở Việt Nam với kiến trúc nghệ thuật quân sự độc đáo.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây đến năm 2030, thị xã Sơn Tây sẽ là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất đô thị văn hóa - lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.
Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", thị xã Sơn Tây quyết tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử với tư duy: Lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực.
Mới đây, tại Hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia đã đề xuất xây dựng Sơn Tây-Ba Vì thành thành phố du lịch, lấy thị xã Sơn Tây làm trung tâm, để tạo động lực phát triển cho vùng. Phó Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, thời gian tới, Sơn Tây tiếp tục tập trung làm tốt Chương trình Phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh; phát triển công nghiệp văn hóa thông qua đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, những năm qua, thị xã Sơn Tây luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ủy ban nhân dân thị xã cũng tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây ban hành Chương trình hành động và chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” với những nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện của thị xã. Trên những nền tảng, tiềm năng sẵn có, hiện Sơn Tây có 4 câu lạc bộ thơ lớn, hoạt động thường xuyên với tổng số hơn 300 hội viên.
Ngoài ra còn có các câu lạc bộ như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Cổ vật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học nghệ thuật, khiêu vũ… Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt với nội dung phong phú, hoạt động sôi động tại phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây vào tối thứ bẩy hàng tuần, tạo sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, toàn thị xã có 35.031/36.481 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (96%); 58/62 tổ dân phố văn hóa (93,5%); 53/56 thôn văn hóa (94,6%); 125 đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa...
Phát huy giá trị, xây dựng Sơn Tây giàu đẹp
Thực tế, thời gian qua thị xã Sơn Tây đã có nhiều hoạt động khơi gợi và đánh thức các tiềm năng di sản. Chẳng hạn, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thị xã chú trọng phát triển các ngành kinh tế gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh; phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng, kết nối các tour, tuyến, tăng cường công tác quảng bá, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, thân thiện... nhằm khai thác, mở rộng nguồn thu cho ngân sách.
Việc đưa Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào hoạt động là ví dụ. Để người dân hiểu sâu và biết đến rộng rãi hơn Thành cổ Sơn Tây, từ ngày 30/4/2022, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây với tổng chiều dài 820m, đã chính thức đi vào hoạt động.
Tuyến phố đi bộ này đã góp phần phát huy tiềm năng, giá trị của di tích Thành cổ Sơn Tây. Không những vậy, hoạt động tại phố đi bộ thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của thị xã, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng xung quanh tòa thành cổ 200 năm tuổi uy nghi, cổ kính, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu, sáng tạo văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và khách du lịch, vừa góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài.
Sơn Tây là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và lễ hội độc đáo. Ảnh: Đinh Luyện |
Để thu hút lượng lớn khách tham quan là người dân Thủ đô và những tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đến trải nghiệm tại tuyến phố đi bộ, hằng tuần, thị xã tổ chức các buổi biểu diễn, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao tại các điểm sân khấu chính và khu vực xung quanh với những hoạt động văn hóa dân gian như nặn tò he, trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ truyền thần, bóng bay nghệ thuật...
Ở góc độ quy hoạch tổng thể, thị xã Sơn Tây đang hình thành, phát triển 4 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); khu trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Đường Lâm (đưa du khách đến với di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (nơi vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái) và “Làng du lịch homestay” xã Cổ Đông với những mô hình homestay đang thu hút khách từ trung tâm Hà Nội đến nghỉ dưỡng cuối tuần. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch ngày càng phát triển.
Không chỉ vậy, để đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch; khai thác hiệu quả giá trị của các di tích; triển khai một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, khoai lang, tương và các sản phẩm từ tương Đường Lâm, các loại bánh, kẹo truyền thống… phục vụ khách du lịch; xây dựng thêm điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP nhằm góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp và khách hàng ở mọi miền để tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương.
Rõ ràng, bằng việc lấy các giá trị văn hóa là nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững, Thị ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đang nỗ lực khơi dậy trong cán bộ, đảng viên, nhân dân khát vọng xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một cực tăng trưởng phía Tây Bắc, một trung tâm lớn về du lịch văn hóa của Thủ đô.
Bình luận