Cải thiện thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn
Vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương Người phụ nữ đánh thức tiềm năng vùng đất khó Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai |
Nâng cao thu nhập
Giữa ngày nắng chói chang, tôi tìm đến thăm nhà ông Nguyễn Xuân Quyền ở thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn cây sum sê tỏa bóng làm dịu nắng hè. Nhắc đến chuyện nuôi ong ở địa phương, ông Quyền chia sẻ, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã Kim Sơn có từ khoảng năm 1984, nhưng chỉ dừng lại ở góc độ hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Ông Nguyễn Xuân Quyền giới thiệu về hiệu quả kinh tế, du lịch từ mô hình nuôi ong với Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây Hà Việt Phong (đứng giữa) và Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn Vũ Huy Nam. Ảnh: Đinh Luyện |
Năm 2018, nhằm liên kết chặt chẽ các hộ nuôi ong hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 3/2018, tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 40 thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi từ 70 - 100 đàn. Cũng từ đó, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh, thu hút thêm nhiều hộ thành viên.
Hà Nội đã công nhận 7 điểm du lịch nông nghiệp gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá và điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) và cuối cùng là điểm du lịch thôn Lòng Hồ xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Đây là những “địa chỉ vàng” ven đô cho các trường học, người dân Thành phố, khách du lịch ghé thăm và trải nghiệm. |
Dẫn tôi tham quan khu vườn nhãn, nơi đặt những thùng nuôi ong mật, ông Quyền khẳng đinh, lợi ích của việc nuôi ong rất to lớn. Nuôi ong vừa có tác dụng thụ phấn, vừa cho mật, giúp cây ra hoa kết quả tự nhiên và đạt năng suất cao. Hơn nữa, địa phương đang tích cực xây dựng chuỗi du lịch tham quan mô hình nuôi ong và trải nghiệm các quy trình chế biến mật ong, điều này là tiền đề lớn để nghề phát triển bền vững.
“Từ số lượng đàn ong ban đầu, hiện tôi đã phát triển được hơn 250 đàn. Nuôi ong mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần canh tác các nông sản truyền thống như lúa, khoai…” - ông Nguyễn Xuân Quyền chia sẻ.
Được biết, cùng với sự giúp đỡ của các sở, ban ngành Thành phố, thị xã Sơn Tây cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn”. Sản phẩm mật ong cung ứng cho thị trường đã có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Xác định thương hiệu đến từ chất lượng, vậy nên, mỗi hộ nuôi ong của xã luôn chăm sóc và sản xuất mật ong của mình một cách đúng quy định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cốt lấy chất lượng, không chạy đua theo số lượng.
Vì vậy, mật ong Kim Sơn gần như không phải lo đến đầu ra. Mỗi đợt thu hoạch mật đều có khách đến tận nơi thu mua, thậm chí còn có thời điểm không đủ mật cho khách.
Xây dựng bước đi bài bản
Kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ đang là hướng đi mới ở xã Kim Sơn. Ông Vũ Huy Nam, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết, thôn Lòng Hồ có hồ Đồng Mô gắn với câu chuyện về rùa khổng lồ nhiều nét tương đồng với rùa Hồ Gươm. Sau khi được công nhận là điểm du lịch, xã Kim Sơn đã xây dựng chủ trương, tuyên truyền, vận động các hộ có điều kiện tham gia phát triển du lịch. Đồng thời xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ có được hành lang pháp lý để triển khai mô hình.
Nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn” đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: Đinh Luyện |
Nói riêng về mô hình nuôi ong lấy mật liên kết làm du lịch trải nghiệm, ông Vũ Huy Nam thông tin, mô hình được thị xã Sơn Tây ban hành quyết định công nhận và ra mắt vào năm 2018. Sản phẩm mật ong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể đạt OCOP 4 sao. Hộ gia đình nuôi ong của ông Nguyễn Xuân Quyền là một trong những địa điểm tham quan du lịch tại thôn Lòng Hồ góp phần làm phong phú thêm điểm du lịch của địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn, đến Kim Sơn, du khách sẽ được thực hành quay ong, chiết suất mật, chụp ảnh quá trình trải nghiệm và mua sản phẩm do mình tự quay về làm quà cho người thân, bạn bè. Mật ong tự nhiên ở đây có mùi thơm nồng, vị ngọt dịu, màu vàng óng, trên bề mặt chai mật ong thông thường có một lớp váng phấn hoa. Khách tham quan tin tưởng đặt hàng trực tiếp tại cơ sở nên lượng mật làm ra đều được tiêu thụ hết. Đặc biệt, nhờ uy tín thương hiệu, nhiều khách đã chủ động tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
Ở câu chuyện biến tiềm năng thành lợi thế, phải khẳng định, chính quyền thị xã Sơn Tây đã có những bước đi bài bản trong công tác này. Chẳng hạn, nhờ sự hoạch định rõ đường hướng nên thị xã Sơn Tây đã trở thành điển hình trong phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch của Hà Nội.
Cảnh quan đường làng, ngõ xóm bình yên ở Kim Sơn. Ảnh: Đinh Luyện |
Theo Thị ủy Sơn Tây, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô với tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vậy, đến Sơn Tây, ngoài việc được tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Đoài thì du khách còn được tìm hiểu một số nghề truyền thống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ.
Rõ ràng, từ mô hình nuôi ong lấy mật liên kết làm du lịch trải nghiệm ở Kim Sơn, thị xã Sơn Tây có thể thấy, khi chính quyền địa phương tích cực vào cuộc ủng hộ thì đó cũng là “đòn bẩy” để nghề truyền thống được phát triển và nâng tầm. Hơn hết, mỗi mô hình với những sản phẩm đa dạng, hấp dẫn được chính quyền thị xã Sơn Tây xây dựng cũng đang trực tiếp giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn có thu nhập ổn định, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch của thị xã Sơn Tây phát triển bền vững.
Bình luận