15 doanh nghiệp được trao giải thưởng nhờ thúc đẩy bình đẳng giới Phụ nữ quận Tây Hồ hỗ trợ hội viên vay vốn, phát triển kinh tế Tích cực đồng hành với chính quyền và nhân dân xây dựng nông thôn mới

Nhận thấy thôn Mản Thẩn là vùng đất có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với việc trồng, phát triển cây tam thất, muốn tạo lối đi riêng cho bà con vùng bản cao, chị Vũ Thị Nhung quyết định lặn lội đi học kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này. Gia đình chị cũng chính là những hộ đầu tiên tham gia mở rộng diện tích trồng cây tam thất tại địa phương.

Người phụ nữ đánh thức tiềm năng vùng đất khó
Chị Vũ Thị Nhung chăm sóc vườn cây tam thất (Ảnh: Vũ Nhung)

Năm 2014, vợ chồng chị mạnh dạn xây dựng vườn tam thất có diện tích khoảng 2.500m2, trong quá trình trồng, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt, tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm nên khi thu hoạch chưa phát huy được hết năng suất cây trồng này đem lại.

Không nản lòng, chị tiếp tục đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tam thất. Năm 2018, vợ chồng chị đã đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng cây tam thất với tổng diện tích là 0,7ha trong đó 0,3ha ươm cây giống, 0,4ha trồng củ tam thất.

Để phát triển vườn tam thất của gia đình, chị Nhung thuê nhân công đến làm tại vườn, tuy nhiên chị không thuê cố định một vài người mà lựa chọn rất nhiều người, như vậy trong quá trình làm sẽ có nhiều người cùng được học hỏi cách trồng tam thất, giúp họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Từ khi internet phủ sóng xã miền núi này, chị Nhung cũng thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin. Nhận thấy Mản Thẩn thuộc vùng khí hậu ôn đới, phù hợp với các loại cây ăn quả như mận, lê, chị mạnh dạn mua giống và đưa cây lê và mận về trồng tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả mà vườn trồng đem lại, gia đình chị Nhung đã mở rộng diện tích, nhân rộng vườn trồng.

Đến nay, chị đã trồng được cả nghìn gốc mận Tả Van và gốc lê Tai Nung và đều đã cho thu hoạch. Chị Nhung còn tận dụng khoảng trống dưới tán vườn mận để nuôi gà đen, đây là loại gà bản địa của địa phương. Khi mô hình trồng cây ôn đới mang lại hiệu quả, chị Nhung đã hướng dẫn bà con trong xã làm theo mình.

Đến nay, toàn xã Quan Hồ Thẩn có cả trăm ha trồng lê, trồng mận. Bất cứ gia đình nào muốn trồng cây, chị Nhung đều hướng dẫn tận tình. Nhờ đó mà phụ nữ người Mông nơi đây đã dần hình thành tư duy sản xuất hàng hóa.

Khi người dân tham gia trồng nhiều, sản lượng quả tăng trong vụ thu hoạch, việc tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm là cần thiết. Chị Nhung lại chủ động tìm hiểu, kết nối với thương lái để bán sản phẩm cho bà con trong vùng.

Chưa hài lòng với những gì đã đạt được, với những tâm huyết dành cho cây tam thất cũng như mô hình trồng cây ăn quả, chị Nhung thành lập Hợp tác xã Mản Thẩn để khẳng định thương hiệu cho những sản phẩm do chị em người Mông nơi đây làm ra.

Chị Nhung được các thành viên trong Hợp tác xã Mản Thẩn tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc Hợp tác xã để tiếp tục phát triển mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ cây tam thất. Nhận thấy địa bàn huyện có khá nhiều loại dược liệu quý nhất là những sản phẩm phụ từ cây tam thất như rễ, lá thân đang bị bỏ lãng phí cùng với mong muốn sản xuất, chế biến các loại dược liệu sẵn có tại địa phương, chị Nhung đã đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu thành sản phẩm công nghệ cao.

Đến nay, các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất và trà tam thất... của Hợp tác xã đã được cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước. Hiện nay, sản phẩm trà túi lọc tam thất Si Ma Cai của Hợp tác xã được bình chọn là “1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2020”.

Trò chuyện cùng chị Nhung, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nhiệt tình, khát khao cháy bỏng phục vụ quê hương, giúp đỡ bà con dân bản thoát nghèo luôn thường trực trong người phụ nữ vùng cao này.

Nói về hành trình thuyết phục bà con nơi đây áp dụng theo hướng trồng mới, chị Vũ Thị Nhung cho biết để bà con tin tưởng và làm theo như ngày hôm nay là cả một quá trình gian khổ, tốn rất nhiều công sức vận động. Nhiều khi chị phải đến từng nhà, làm cùng bà con để họ thấy có hiệu quả để thực hiện theo. Trong quá trình thuê lao động đến làm tại vườn tam thất của gia đình, chị luôn làm cùng, chỉ dạy cho họ từng cách làm cụ thể để bà con biết cách chăm sóc, trồng cây, cho họ tham gia vào các công đoạn để tự họ nhận thấy hiệu quả mà cây tam thất đem lại để từ đó nhân rộng, áp dụng mô hình xây dựng vườn tam thất cho riêng gia đình mình.