Hợp tác liên vùng để vực dậy ngành du lịch
TP.HCM kỳ vọng "bùng nổ" thị trường du lịch quốc tế vào cuối năm Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai giải pháp phục hồi du lịch |
Làng chài Vung Viêng, vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Đa dạng nguồn tài nguyên
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ĐBSCL có diện tích 40.000 km2, dân số gần 18 triệu người gồm các dân tộc chính: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, sự đa dạng sinh học với các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, đất ngập nước, núi, rừng, sông, suối, biển đảo… ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản, mà còn là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước.
Ước tính, trong 8 tháng năm 2022, các tỉnh, thành ĐBSCL đã thu hút khoảng 30 triệu lượt khách tham quan, du lịch; trong đó, có hơn 8 triệu lượt khách lưu trú; doanh thu du lịch ước đạt hơn 21 nghìn tỉ đồng. Các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng với TP.Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, các hoạt động xúc tiến du lịch toàn vùng được đẩy mạnh, có sự chuyển biến rõ rệt trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL.
Còn theo ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hoá, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo... Với vị trí hai tỉnh nằm ở phía Bắc bộ và 1 tỉnh nằm ở Nam Trung Bộ có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế trong nước và quốc tế, do vậy hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch của 3 tỉnh.
Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Nơi có Vịnh Hạ Long là Di sản Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới. Quy Nhơn - Bình Định có biển xanh, bãi cát trắng dài thơ mộng, sự cổ kính của tháp Chàm và nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng.
Tỉnh Ninh Bình là mảnh đất thiêng, gắn liền với ba vương triều Đinh, tiền Lê, Lý. Đặc biệt là quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á.
Cũng theo ông Trần Song Tùng, thị trường khách du lịch ĐBSCL hiện là một trong những thị trường tiềm năng và quan trọng đối với cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định, đặc biệt trong giai đoạn mà các tỉnh đang xây dựng chiến lược để thu hút khách du lịch nội địa.
ĐBSCL được biết đến như một thế giới sông nước với mật độ sông và kênh rạch dày đặc, đồng thời có hệ sinh thái đất ngập nước với sinh cảnh rừng ngập mặn ven biển, sự đa dạng về các loại hình văn hoá... Tất cả tạo nên tiềm năng du lịch to lớn và đa dạng của vùng ĐBSCL.
Đúng hướng, đúng tinh thần chỉ đạo
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, sự liên kết giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Trung Bộ, vùng ĐBSCL trong việc phát triển du lịch là điều cần thiết trong thời điểm này. Quảng Ninh, Bình Định, Ninh Bình và các tỉnh ĐBSCL đều là những điểm đến hấp dẫn.
Thời gian qua, những địa phương này đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Ông Thủy cho rằng, đây là thời điểm hợp lý để thực hiện xúc tiến du lịch. Bởi vào thời điểm này, thời tiết, khí hậu ở các địa phương có sự khác biệt, bổ trợ cho nhau. Khách từ ĐBSCL sẽ thích tiết trời se se lạnh của miền Bắc. Khách từ miền Bắc sẽ thích thời tiết nắng ấm của miền Nam.
“Với tinh thần đó, tôi cho rằng việc liên kết giữa các tỉnh tạo điểm đến, quảng bá, truyền thông hình ảnh địa phương là điều cần thiết để thực hiện trong thời gian này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần phối hợp với nhau để phát triển, tạo sân chơi, kết nối. Ngoài ra, việc liên kết trong việc quản lý nhà nước, liên kết trong việc bảo vệ môi trường cũng là điều quan trọng” - ông Phạm Ngọc Thủy bày tỏ.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết, từ khi Chính phủ cho phép mở lại toàn diện hoạt động du lịch (từ ngày 15.3.2022) đến nay, hoạt động du lịch của Việt Nam đã phục hồi rất tích cực, mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.
Về hoạt động xúc tiến du lịch liên vùng Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, ĐBSCL, ông Siêu cho rằng, sự liên kết này đi đúng hướng, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi phục hồi và phát triển ngành du lịch theo tinh thần nghị quyết 08 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trong bối cảnh bình thường mới.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, để việc liên kết du lịch giữa các tỉnh đạt hiệu quả, đầu tiên phải tăng cường chiều sâu về quảng bá qua nhiều kênh về điểm đến, sản phẩm du lịch nổi trội của mỗi địa phương. Sau khi đã quảng bá, thấu hiểu sản phẩm du lịch nổi trội của nhau, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban ngành tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương kết nối, trao đổi toàn diện.
Ngoài ra, các tỉnh trong liên kết cần hình thành hệ sinh thái du lịch theo các chủ đề về sản phẩm du lịch để kết nối Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định với TP.Cần Thơ và ĐBSCL từ sân bay, máy bay đến điểm đến, sản phẩm du lịch… nhằm tạo nên chuỗi hoạt động du lịch hiệu quả. Đây là chương trình phát triển mang tính chất lâu dài để tạo ra hệ sinh thái du lịch giữa những địa phương này.
Theo Hương Mai/laodong.vn
https://laodong.vn/kinh-doanh/hop-tac-lien-vung-de-vuc-day-nganh-du-lich-1093071.ldo
Bình luận