Hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa, du lịch tại Sơn Tây
Ước trên 20 vạn lượt khách đến Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Giữ nét đẹp Tết Trung thu Nhiều hoat động đặc sắc dịp Tết Trung thu tại Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây |
Du lịch văn hóa đã và đang mang đến hiệu quả tích cực trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như nâng cao đời sống tinh thần của người dân thị xã Sơn Tây.
Hiệu quả từ hoạt động du lịch
Thị xã Sơn Tây là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh về khai thác và phát triển du lịch. Sơn Tây còn hiện hữu trong 244 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 16 di tích cấp Quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nhiều di tích nổi tiếng khắng trong và ngoài Hà Nội như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây - tòa thành quân sự được xây dựng vào năm 1822 dưới thời Vua Minh Mạng triều Nguyễn; Làng cổ Đường Lâm - ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán điển hình của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ, một “bảo tàng sống” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng…
Sơn Tây hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Ngoài ra, với địa hình bán sơn địa đặc trưng, Sơn Tây còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều hồ nước lớn có giá trị cảnh quan và du lịch, trong đó điển hình và nổi tiếng nhất là hồ Đồng Mô với diện tích rộng khoảng 200ha với nhiều đảo và bán đảo bên hồ.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa - lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.
Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã đã triển khai đồng bộ một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch. Trong đó, thị xã đặc biệt chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với tâm linh, văn hóa và trải nghiệm.
Bà Nguyễn Khánh Hoa, Tổng Giám đốc khách sạn Glory Resort chia sẻ: Những hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, đặc biệt là sự ra mắt Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây có tác động tích cực đến hoạt động của Glory Resort. Lượng khách đặt phòng tại Glory Resort tăng lên tương đối lớn vào các dịp cuối tuần, hoặc các ngày nghỉ lễ - trùng với thời điểm diễn ra các chương trình văn hóa, nghệ thuật của thị xã Sơn Tây. Theo nhận định của địa diện Glory Resort, hiệu quả kinh doanh mang lại một phần do chất lượng phục vụ ngày càng nâng cao, phần khác là nhờ sự quảng bá hình ảnh của Sơn Tây tới du khách.
Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là điểm nhấn thu hút khách du lịch tìm đến Sơn Tây mỗi dịp cuối tuần. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Ghi nhận của phóng viên cũng cho thấy, đa phần người dân Sơn Tây đều chia sẻ sự vui vẻ và tự hào khi thương hiệu của thị xã được nâng cao trong mắt khách du lịch. Đồng thời, nhiều mặt trong cuộc sống cũng được nâng cao do hiệu quả tích cực từ các hoạt động văn hóa, du lịch.
Xây dựng Sơn Tây thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch
Theo tìm hiểu, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thị xã Sơn Tây đã triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để phát huy tiềm năng lợi thế văn hóa, lịch sử, quyết tâm xây dựng Sơn Tây thành một trung tâm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Hà Nội.
Du khách tham quan di tích Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Thị xã Sơn Tây đã triển khai những hoạt động hết sức cụ thể như: Khai mạc năm du lịch Sơn Tây, khai trương Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (hoạt động từ ngày 30/4 đến nay) đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây thông tin, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sau khi đưa vào hoạt động, ước tính lượng khách tìm đến đã đạt trên 20 vạn lượt.
Trung bình mỗi tối thứ 7, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách, cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách. Ngoài ra, tại Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã có trên 180 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi…
Qua ghi nhận thực tế, thị xã Sơn Tây cũng không ngừng hoàn thiện, bổ sung nhiều hoạt động, dịch vụ trên tuyến phố để nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn. Hoạt động Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đến nay cơ bản đáp ứng các yêu cầu về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch đến Sơn Tây mỗi dịp cuối tuần. Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các sự kiện, các hoạt động diễn ra trong không gian đi bộ được các lực lượng thị xã quán triệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Du khách tham quan, chụp hình kỷ niệm tại một sự kiện tổ chức tại thị xã Sơn Tây. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Đáng chú ý, theo tìm hiểu hiện Sơn Tây đã và đang xây dựng thêm nhiều địa điểm thu hút khách tham quan như chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, chùa Linh Thông, Văn Miếu Sơn Tây... Đặc biệt là sự kết nối giữa các điểm tham quan du lịch tín ngưỡng với các nhà hàng, resort, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng như: Sơn Tinh camp, làng Mít, Lâm Ký, Đông Thành, Moon Garden, Thảo Viên... đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn.
Rõ ràng, vị trí giao thông thuận lợi cùng kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để Sơn Tây phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong tương lai gần, thị xã Sơn Tây sẽ tạo nên cú hích để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bên cạnh thúc đẩy phát triển du lịch qua các giá trị văn hóa, Sơn Tây còn có nhiều sản vật lợi thế như: Gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, chè xanh của xã Đường Lâm; bưởi, chè xanh của xã Cổ Đông; mật ong, sữa bò tươi của xã Kim Sơn; đà điểu, lợn rừng của xã Thanh Mỹ; dưa các loại của xã Xuân Sơn và bánh tẻ Phú Nhi của phường Phú Thịnh... Đây là các sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân. Chính vì vậy, những năm qua, thị xã đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia chuẩn hóa chất lượng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố, đặc biệt là sản phẩm đặc sản của thị xã. Thị xã cũng xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để đặc sản của Sơn Tây đến gần hơn với người tiêu dùng, khách du lịch. |
Bình luận