Cung ứng nguồn vốn để phục hồi tăng trưởng Ngân hàng mở room tín dụng, có rộng cửa cho các doanh nghiệp bất động sản? Nhiều người dân thoát nghèo từ nguồn vay tín dụng

Tại diễn đàn “Việt Nam - Bối cảnh đầu tư giai đoạn cuối năm 2022”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam phân tích: Sau đợt dịch Covid-19 chủng Delta, chúng ta nghĩ năm nay chỉ có câu chuyện tập trung phục hồi kinh tế. Chính sách cả về tiền tệ lẫn tài khóa sẽ theo hướng hỗ trợ và kinh tế sẽ có sự phục hồi tăng trưởng với một con số tăng trưởng tốt.

Nhưng chúng ta không thể đoán được câu chuyện căng thẳng chính trị đã làm cho giá năng lượng tăng; đồng thời với các hệ lụy của 2 năm Covid-19 khi mà các nền kinh tế thi nhau bơm tiền ra làm tăng tổng cầu trên nền kinh tế, đẩy giá đi lên.

Thêm một câu chuyện nữa, trừ Trung Quốc thích ứng với Covid-19 thì các nền kinh tế khác cũng đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, vừa đứt gãy chuỗi cung ứng, vừa thêm lạm phát do giá năng lượng tăng cao, làm cho áp lực lạm phát toàn cầu tăng trong thời gian rất ngắn. Như vậy, hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải đi theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, đẩy mạnh tăng lãi suất. Điều này tác động rất mạnh đến nền kinh tế như Việt Nam.

Khan hiếm tín dụng, nguyên nhân do đâu?
Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại, nới thêm từ 2-5%.

Trên thế giới hiện nay có 2 nền kinh tế chưa có động thái đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ đó là Nhật Bản và Trung Quốc. Còn tất cả các nền kinh tế khác đều theo chính sách thắt chặt tiền tệ. Các nền kinh tế như Anh, Mỹ, EU lạm phát rất cao và đây cũng là khu vực phải mạnh tay nhất trong thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong nền kinh tế gần chúng ta, cũng có những khu vực hiện nay lạm phát trên 7% như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore,…

“Nhiều người nghi ngờ tại sao lại lạm phát của Việt Nam chỉ có 2,9%? Thực tế, có số lạm phát có thể cao hơn con số này. Ví dụ như ngành xây dựng, giá vật liệu hiện nay có thể tăng từ 18-20%. Lương thực thực phẩm cũng tăng từ 8-12%. Giá năng lượng tính đến thời điểm tháng 6 tăng đến 50%”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Phân tích sâu hơn về cách tính lạm phát, ông Thành cho rằng, đối với giá năng lượng chỉ tính vào lạm phát thông qua giá vận tải, đặc biệt là dịch vụ vận tải của doanh nghiệp chứ không tính đến giá năng lượng vào cá nhân của từng người như đi ô tô, xe máy - một yếu tố khiến chi phí tăng lên, giá tiêu dùng tăng lên. Vì vậy, lạm phát được tính 2,9%, nhưng các nhà hoạch định vẫn hiểu rằng có thể lạm phát cao hơn, nên cần phải thận trọng hơn.

Chúng ta tính lạm phát theo bình quân, nhờ đầu năm lạm phát thấp, cuối năm lạm phát cao thì bình quân cả năm sẽ là 4%. Thế nhưng, khi loại bỏ giá lương thực, thực phẩm, xăng, dầu thì lạm phát còn lại đã tăng lên liên tục trong những tháng qua. Điều đó buộc những nhà chính sách tiền tệ, đặc biệt là ngân hàng phải thận trọng”, vị chuyên gia này phân tích.

Thực tế từ khi xảy ra căng thẳng chính trị, căng thẳng lạm phát toàn cầu thì đã có sự thay đổi chính sách ở Việt Nam. Năm 2021, khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thì định hướng là năm nay sẽ hỗ trợ, cho nên 6 tháng đầu năm tín dụng tăng rất mạnh và hầu hết thông điệp là “sẽ được tăng tín dụng”. Mặc dù, mục tiêu là 14%, nhưng theo nhu cầu có thể linh hoạt. Cho nên tất cả các ngân hàng thương mại đều đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Rất nhiều ngân hàng đã dùng hết room tăng trưởng tín dụng của mình trong 6 tháng. Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định tăng trưởng tín dụng 14% để kiểm soát lạm phát. Còn chính sách tài khóa vẫn có thể theo hướng hỗ trợ.

“Mặc dù kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn nhưng nhà nước vẫn thu được ngân sách. Bằng chứng là 2 năm Covid-19 vẫn thu vượt dự toán, năm 2022 thu ngân sách tiếp tục vượt dự toán. Vì thu ngân sách vẫn vượt dự toán cho nên năm nay vẫn theo hướng mở rộng chính sách tài khóa. Vừa rồi nhà nước rất mạnh tay trong việc giảm thuế phí liên quan đến xăng, dầu. Trong bối cảnh như vậy, chính sách tiền tệ đang thận trọng, chính sách tài khóa nới lỏng”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Tháng 7-8 tín dụng giảm rất mạnh, tuần 2 của tháng 9 Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại, được nới thêm từ 2-5%. Việc cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong tháng 9 cũng chỉ vừa đủ cho các ngân hàng, nếu dùng hết thì cả năm cũng chỉ vừa vào khoảng 14%. Vậy là 4 tháng còn lại, tín dụng bơm ra nền kinh tế sẽ còn khoảng 450 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, thông điệp của chính sách tiền tệ là “thận trọng” và “linh hoạt”. Các nhà hoạch định chính sách đang “đợi” thêm con số lạm phát của tháng 9 và tháng 10, bởi lạm phát của tháng 7,8 là chưa đủ cơ sở khẳng định lạm phát giảm để có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, tại thời điểm nay, thị trường vẫn đang “khan hiếm tín dụng”, đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất sẽ cao lên.

Trong bối cảnh nguồn vốn khan hiếm, các chuyên gia kinh tế khuyên rằng, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nên có hoạch định cụ thể để đầu tư tài chính trong giai đoạn cuối năm 2022. Đặc biệt, nên tận dụng các chính sách tài khóa đang nới lỏng để xây dựng kế hoạch đầu tư.

Bảo Thoa