Kinh tế Việt Nam nhiều triển vọng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài
Phát triển kinh tế đêm để gia tăng doanh thu du lịch cho TP.HCM GDP Việt Nam được dự báo vươn lên thứ 3 Đông Nam Á vào năm 2025 Vốn FDI và xu hướng mua cổ phần doanh nghiệp bất động sản Việt Nam |
GDP Việt Nam có thể đạt 7,25% vào 2023
Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố mới công bố gần đây, tổ chức này đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung toàn cầu.
Theo dự báo của IMF, trong giai đoạn 2023 - 2027, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này cũng đưa ra nhận định, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa vào năm 2027.
Với tác động nặng nề từ cuộc xung đột tại Ukraine và áp lực lạm phát đang lan rộng khắp thế giới, IMF dự báo năm 2022, GDP Việt Nam có thể tăng 6,05% so với năm 2021. Đặc biệt, đến năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,25%.
So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đứng thứ hai trong khu vực, chỉ thấp hơn Philippines với mức tăng trưởng được dự báo đạt 6,45%.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia được dự báo đạt mức tăng trưởng thấp hơn Việt Nam lần lượt là 3,33%, 3,95%, 5,41% và 5,61%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2023-2027, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam do IMF dự báo được đánh giá cao hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong 5 năm tới được dự báo giao động ở mức 6,96%, liên tục dẫn đầu trong khối ASEAN.
Nhu cầu phát triển hạ tầng là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh Trúc Lâm |
Theo số liệu công bố của IMF, xét về quy mô GDP theo giá hiện hành (quy mô GDP danh nghĩa) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á với 366 tỷ USD, cao hơn Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào.
Trong khi đó, dẫn đầu về quy mô GDP danh nghĩa năm 2021 trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia với 1.186 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Thái Lan (513 tỷ USD), Singapore (397 tỷ USD), Philippines (394 tỷ USD) và Malaysia (373 tỷ USD).
IMF cũng đưa ra dự báo về quy mô GDP danh nghĩa năm 2022, theo đó Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 6 với 409 tỷ USD.
Đáng chú ý, tới thời điểm năm 2027, IMF dự báo Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa với 690 tỷ USD và cạnh tranh vị trí thứ hai khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan ghi nhận quy mô GDP danh nghĩa dự báo đạt 693 tỷ USD.
Dự báo tới năm 2027, Việt Nam sẽ vượt Indonesia, đứng vị trí thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về GDP bình quân đầu người với 6.682 USD, tăng 2.957 USD so với năm 2021.
Hồi tháng 2/2022, tờ Business Times đã đưa ra nhận định về nền kinh tế của Việt Nam trong bài viết "Tiếng gầm của một con hổ châu Á mới - Roar of a new Asian tiger". Theo đó, tờ báo nhận xét từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, kinh tế Việt Nam được nhận định là đang phát triển vượt bậc.
Bài báo cũng đưa ra 6 lý do cho nhận định này. Cụ thể: Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có; Thứ hai là môi trường khích lệ việc khởi nghiệp; Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo; Thứ tư là sự "khát" lao động; Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản; Thứ sáu là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.
Gia tăng dòng vốn FDI
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,8% - 6,9% trong năm nay.
Điều này nằm trong các yếu tố sau: Thứ nhất, là việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất. Theo Financial Times, một tạp chí tài chính, các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất nhanh nhất trong đợt thắt chặt chính sách tiền tệ quy mô nhất trong hơn hai thập kỷ, với tổng cộng hơn 60 lần tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương khác nhau trong ba tháng qua.
Sự kiện tiếp theo là Chương trình thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening – QT) của Fed. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine kéo dài làm giá lương thực và xăng dầu tăng.
Báo cáo còn đề cập đến việc Trung Quốc đóng cửa một số thành phố lớn do bùng phát dịch COVID-19, bao gồm thành phố Thâm Quyến, Đông Quan, Thượng Hải và Tây An; lạm phát gia tăng trên bình diện toàn cầu cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, ACBS vẫn duy trì kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần phục hồi trong ba quý cuối năm 2022.
ACBS đưa ra cơ sở để minh chứng cho nhận định trên như tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trường, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược "Zero-COVID" của Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ tác động lớn đến việc phục hồi và gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đến Việt Nam. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp.
Du lịch và các ngành dịch vụ của Việt Nam đã mở cửa trở lại đón khách quốc tế. Ảnh Trúc Lâm |
Yếu tố thứ ba là sự phục hồi của các ngành dịch vụ và du lịch sau khi được phép mở cửa trở lại, đặc biệt là việc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế và các hoạt động giao thông vận tải trở lại vận hành bình thường.
Ngoài ra, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 337.000 tỷ đồng (291.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ tài khóa và 46.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ tiền tệ), để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 sẽ được giải ngân bắt đầu từ quý II.
Đồng thời, 382.000 tỷ đồng (trong tổng số 530.000 tỷ đồng) vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cần giải ngân từ đây tới cuối năm 2022 sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong ba quý cuối năm 2022.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa mô tả Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á.
Theo WB, Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế Đông Nam Á. Cụ thể, trong nhóm 5 nước Đông Nam Á, World Bank dự báo năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8%, Philippines theo sau với 5,7%, Thái Lan dự báo chỉ đạt mức 2,9%.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 7/6, World Bank (WB) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,5% - mức cao nhất trong các nước Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam ghi nhận điểm sáng từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam đạt 54,7 điểm so với mức 51,7 điểm trong tháng 4. Đáng chú ý, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều tăng nhanh dù có dấu hiệu cho thấy nhu cầu thế giới bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc.
Sự tích cực của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là khá nổi bật nếu so với chỉ số PMI của khu vực và thế giới. So với 4 nước còn lại là Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, chỉ có PMI sản xuất của Việt Nam tăng nhanh hơn trong tháng 5.
Nhận định chung về kinh tế toàn cầu, WB cho rằng nhiều quốc gia sẽ khó thoát suy thoái do các yếu tố rủi ro như xung đột tại Ukraine, phong tỏa tại Trung Quốc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro lạm phát cao - tăng trưởng chậm trên toàn cầu.
WB cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 2,9%, giảm mạnh so với 5,7% năm ngoái và 4,1% dự báo đầu năm nay.
Tổ chức này không cho rằng thế giới sẽ sớm hồi phục mạnh. Tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ quanh 2,9% trong 2 năm tới. Vài năm sau đó sẽ là "thời kỳ lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ kéo dài".
Bình luận