Lại bàn câu chuyện về giá xăng, dầu
Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó Lý giải nguyên nhân lần đầu giá dầu cao hơn giá xăng Kiểm soát giá để hoá giải áp lực lạm phát cuối năm |
Điều đáng chú ý là sau khi điều chỉnh giá, hiện một số mặt hàng dầu đang có giá bán trên thị trường là hơn 25.000 đồng/lít và cao hơn giá 2 loại xăng phổ biến. Đặc biệt, mặt hàng dầu diesel là nhiên liệu chính cho hoạt động vận tải, khai thác và sản xuất đang ở mức rất cao là yếu tố bất lợi cho nhiều ngành hàng kinh tế, giảm tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tiêu dùng của người dân.
Trong khi đó, cước vận tải hàng hóa sẽ khó giảm sâu khi giá dầu liên tục tăng cao. Theo lý giải của liên Bộ, sở dĩ giá dầu hiện đã tăng cao hơn giá xăng là do đầu kỳ giá xăng, dầu liên tục tăng cao khi OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng; lo ngại về việc Mỹ không xem xét các nhượng bộ bổ sung đối với Iran trong thỏa thuận hạt nhân Iran; sản xuất, khai thác dầu của Libya và Nigieria không cải thiện; tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm trong khi mùa mưa bão tại Mỹ đang đến gần ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận chuyển dầu thô,...
Trong khi giá xăng được điều chỉnh giảm, thì giá các mặt hàng dầu lại tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh giá ngày 5/9 |
Nhận định về nguyên nhân giá dầu thế giới liên tục tăng thời gian gần đây, một số chuyên gia am hiểu thị trường cho rằng, giá dầu tăng xuất phát từ nhu cầu tăng cao khi các nước châu Âu chuyển sang sử dụng các nguyên liệu thay thế khí đốt của Nga vốn đang rất đắt đỏ. Ngoài ra, do nhu cầu trên thế giới tăng mạnh với dầu diesel, nhiều nước tích trữ chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới do lo ngại thiếu hụt mặt hàng này; một phần nguyên nhân khác cũng là do xuất khẩu dầu diesel từ Nga và Trung Quốc giảm mạnh…
Để ứng phó với thực trạng giá dầu liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá bán tại thị trường trong nước, trong kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định dừng trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng này để hạn chế mức tăng cao của giá mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa; giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut để giảm giá các mặt hàng này theo xu hướng giảm của giá thị trường thế giới.
Cụ thể, liên Bộ đã thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 250 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng, dầu thế giới. Đồng thời, sử dụng công cụ Quỹ BOG một cách hiệu quả và linh hoạt, nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Giá dầu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ thủy sản của ngư dân, đặc biệt có liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá mà trong đó xăng, dầu chiếm đến 30 - 35% giá thành vận chuyển. Chính vì vậy, sẽ tạo ra những hệ luỵ như: Lượng thuỷ hải sản đánh bắt sẽ bị giảm sút mạnh, từ đó dẫn tới giá những mặt hàng này sẽ bị đẩy lên cao so với mặt bằng gia bình quân của thời kỳ xăng dầu ở mức 20.000 - 22.000 đồng/lít.
Mặt khác, Chính phủ, Bộ Công Thương đang đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giảm giá hàng hoá khi giá xăng dầu đã trở về mức đầu năm 2021. Nếu tình trạng giá dầu diesel hiện nay kéo dài trong nhiều tháng từ nay đến cuối năm thì hiệu lực của việc chỉ đạo giảm giá sẽ giảm bớt hiệu lực. Hiện nay nguồn xăng, dầu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, 30% lượng xăng, dầu thành phẩm vẫn phải nhập khẩu nên giá trong nước vẫn phụ thuộc vào giá thế giới.
Bên cạnh đó, Quỹ BOG xăng, dầu thời gian qua chỉ đáp ứng được khi giá xăng, dầu tăng giảm với biên độ nhẹ. Quỹ này tỏ ra không hiệu quả khi giá thế giới có biến động lớn, có lúc gây khó khăn cho công tác bình ổn giá.
Từ tình hình khó khăn trên, rõ ràng cần phải có những giải pháp hữu hiệu để từng bước vãn hồi tình hình như hiện nay. Muốn giải quyết bài toán giá cả xăng dầu về ngưỡng 20.000 đồng/lít để doanh nghiệp và người dân có thể chịu đựng được lâu dài, ổn định sản xuất kinh doanh dịch vụ thì về lâu dài cần mạnh dạn đầu tư thay Quỹ BOG xăng, dầu bằng quỹ hiện vật, đó chính là dự trữ xăng, dầu với lượng dự trữ lên đến hàng triệu tấn, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng từ 3 - 6 tháng sẽ tăng khả năng đối phó với diễn biến khó lường của giá xăng, dầu thế giới.
Lượng dự trữ xăng, dầu trong nước hiện nay còn quá mỏng trong khi nhiều quốc gia từ lâu đã tăng cường dự trữ các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, than,… Khi nào giá các loại nhiên liệu này ở mức thấp sẽ tăng mua vào, khi nào giá cao sẽ đưa ra sử dụng để bình quân lại giá; việc này vừa chủ động điều chỉnh được với những biến động lớn của giá xăng, dầu thế giới, vừa tránh không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu để góp phần ổn định giá cả.
Khi giá xăng, dầu ở ngưỡng 20.000 - 22.000 đồng/lít, các doanh nghiệp có thể trụ vững được và nâng cao năng lực cạnh tranh và đời sống tiêu dùng của dân bớt khó khăn. Ngoài ra, chu kỳ điều hành giá nên rút xuống từ 10 ngày còn 5 ngày làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Mặt khác cần thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng, dầu, giảm bớt chung gian, các chi phí trong cơ cấu giá cơ sở hiện nay đã lạc hậu và không còn phù hợp sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu, bán buôn xăng, dầu có cơ chế ổn định hợp lý về phân chia lợi nhuận, chiết khấu cho các đơn vị bán buôn bán lẻ.
Làm được những vấn đề trên chắc chắn sẽ từng bước giải được bài toán ổn định giá xăng, dầu ở thị trường Việt Nam. Góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước và ổn định đời sống nhân dân.
Bình luận