Hơn 250 doanh nghiệp lữ hành tham gia khám phá “Phong Nha-miền di sản diệu kỳ” Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế

Những năm gần đây, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, được huyện Thạch Thất khuyến khích xây dựng. Năm 2022, theo Kế hoạch số 73/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thạch Thất là một trong 6 huyện được lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững giai đoạn 2022-2025.

Làm mới du lịch từ mô hình trải nghiệm nông trại hữu cơ
Thời gian qua, từ mô hình nông nghiệp chăn nuôi, Trang trại Hoa Viên đã kết hợp du lịch sinh thái, tạo nên nguồn thu nhập đa dạng. (Ảnh: KT)

Qua quá trình khảo sát, Trang trại Hoa Viên được lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp tại huyện Thạch Thất với quy mô lên tới 60 ha. Các sản phẩm của trang trại được trồng dưới hệ thống nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1.000m2 với kỹ thuật tiến bộ, canh tác hữu cơ, áp dụng công nghệ cao, cho năng suất và sản lượng ổn định. Năm 2019, Trang trại Hoa Viên có 46 sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Chị Trương Kim Hoa, chủ Trang trại Hoa Viên chia sẻ, trước đó, nhận thấy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững không những đem lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng mà còn bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, góp phần cải tạo đất đai trở nên màu mỡ, phì nhiêu, do vậy, gia đình chị quyết định trồng rau hữu cơ vào năm 2013.

Để mang đến người tiêu dùng những nông sản hữu cơ, đồng nghĩa với việc quy trình sản xuất rau của trang trại phải loại bỏ hoàn toàn các thành phần hóa học ra khỏi sản xuất. Với tiêu chí 5 không: Không thuốc trừ sâu hóa học; không thuốc diệt cỏ; không phân bón hóa học; không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng; do đó, tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, bắt sâu, chăm bón trang trại đều phải hoàn toàn tự nhiên.

Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ như đối với cây trồng khác, những công nhân của trang trại làm cỏ bằng phương pháp thủ công. Để ngăn ngừa sâu bệnh, trang trại sử dụng các loại bẫy bắt côn trùng bằng công nghệ sinh học, các loại thuốc trừ sâu làm bằng chế phẩm gừng, tỏi chưng cất...

Ngoài việc tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, Trang trại Hoa Viên cũng đã góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch trang trại hữu cơ, du lịch nông nghiệp.

Theo chủ Trang trại Hoa Viên, Trang trại sẽ tiếp tục đầu tư để thu hút hoạt động du lịch tham quan trải nghiệm. Du khách đến đây sẽ được tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là những lợi ích mà phương thức canh tác hữu cơ mang lại, từ đó thay đổi nhận thức của mọi người, giúp gia tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình ở nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, Trang trại Hoa Viên dự kiến sẽ đón hàng trăm nghìn lượt khách thăm quan, trải nghiệm mô hình du lịch trang trại hữu cơ, du lịch nông nghiệp mỗi năm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Trước đó, trong tháng 7/2022, Đoàn khảo sát của Sở Du lịch thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức khảo sát xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp tại Trang trại Hoa Viên. Tại đây, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du Lịch thành phố Hà Nội đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của Trang trại Hoa Viên.

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường.