Liên kết du lịch vì sự phát triển bền vững
Liên kết du lịch để khơi thông "dòng chảy" khách quốc tế |
Từ mô hình sáng tạo đến thực tế hành động
Một trong những minh chứng điển hình cho liên kết du lịch hiện đại là tuyến tàu “Hành trình trải nghiệm văn hóa trà kết nối Hà Nội - Thái Nguyên”. Đây không chỉ là sự phối hợp giữa hai địa phương, mà còn có sự tham gia sâu của các doanh nghiệp vận tải, cụ thể là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch, điểm đến, đơn vị tổ chức sự kiện.
Nếu Hà Nội là thủ đô nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản phong phú thì Thái Nguyên là “thủ đô trà” với hơn 150 món ẩm thực độc đáo từ trà. Tuyến tàu không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển mà trở thành không gian trải nghiệm sống động, nơi du khách được thưởng thức các món ăn làm từ trà, nghe hát Then, đàn tính và cảm nhận một hành trình giàu bản sắc. Không gian văn hóa trà được tái hiện tại các nhà ga như Lưu Xá, Quán Triều, khiến mỗi điểm dừng trở thành một lát cắt văn hóa.
![]() |
Du khách trải nghiệm tàu du lịch Hà Nội - Thái Nguyên. |
Mô hình này không chỉ tạo điểm nhấn mới trong sản phẩm du lịch nội địa, mà còn cho thấy tiềm năng khai thác những hành trình “trên đường đi” như một phần không thể thiếu trong chuỗi trải nghiệm, điều từ lâu đã được ứng dụng tại các quốc gia có nền du lịch phát triển.
Sự tham gia đồng bộ: Yếu tố quyết định thành công
Liên kết không chỉ dừng ở việc ký kết hợp tác hay chia sẻ tour tuyến. Hà Nội đã cho thấy sự chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối bằng các đoàn famtrip, hội thảo, diễn đàn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm mới.
Cụ thể, đoàn famtrip của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã khảo sát nhiều điểm đến tại Hà Nam như Sun Urban City, sân golf Legend Valley Country hay khu du lịch tâm linh Tam Chúc, tạo tiền đề cho việc thiết kế tour chuyên đề, phù hợp với từng nhóm khách hàng. Trước đó, ngành du lịch Hà Nội và Nghệ An đã cùng tổ chức tọa đàm, đánh giá sản phẩm để đẩy mạnh hợp tác giữa hơn 70 doanh nghiệp lữ hành, điểm đến và dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định: để liên kết thực sự hiệu quả, cần xây dựng sản phẩm độc đáo, đồng thời tạo cơ chế để doanh nghiệp, điểm đến phối hợp sâu rộng trong nghiên cứu, thiết kế và quảng bá. Việc phát triển các tour khởi hành hai chiều cũng là giải pháp kích cầu du lịch khu vực và đảm bảo hiệu quả kinh tế dài hạn.
![]() |
Người dân hào hứng với những sản phẩm du lịch mới lạ, sáng tạo và có chiều sâu. |
Xu hướng phát triển tất yếu
Hiện nay, mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng về tài nguyên và loại hình du lịch. Các tỉnh Tây Bắc tập trung phát triển du lịch mạo hiểm, sinh thái, tự lái; vùng duyên hải như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa mạnh về nghỉ dưỡng biển; trong khi Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An lại có lợi thế rõ rệt về du lịch tâm linh và trải nghiệm nông thôn. Khi liên kết được xây dựng theo chiều sâu, du lịch sẽ không còn bị giới hạn bởi địa giới hành chính, mà được kết nối bởi trải nghiệm và chuỗi giá trị.
Từ mô hình đoàn tàu “Hành trình văn hóa trà”, mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác tuyến tàu “Hoa Phượng đỏ” kết nối Hà Nội - Hải Phòng. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh khẳng định, việc đưa vào vận hành đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành đường sắt trong phát triển du lịch tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Loại hình tàu du lịch chất lượng cao được triển khai với mục tiêu mang đến trải nghiệm tốt nhất cho hành khách.
“Hoa Phượng đỏ” không chỉ là biểu tượng kết nối Hà Nội - Hải Phòng mà còn là bước đột phá của ngành đường sắt trong nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến xu hướng du lịch xanh.
![]() |
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác tuyến tàu “Hoa Phượng đỏ” kết nối Hà Nội - Hải Phòng. |
Đáng chú ý, trong tháng 8/2025, đoàn tàu nội đô đầu tiên sẽ hoạt động, đưa khách du lịch khám phá trung tâm Hà Nội và vùng phụ cận. Đây sẽ là bước đột phá, biến hành trình di chuyển trở thành một phần của sản phẩm du lịch hấp dẫn - một xu hướng đã được quốc tế chứng minh về tính bền vững và hiệu quả kinh tế.
Liên kết du lịch không chỉ đơn thuần là sự kết nối giữa các địa phương, mà còn là sự hòa nhịp giữa tầm nhìn chiến lược của chính quyền, sự linh hoạt sáng tạo của doanh nghiệp và nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách. Khi liên kết được cụ thể hóa bằng những sản phẩm du lịch mang bản sắc, được dẫn dắt bởi tư duy thị trường và sự hỗ trợ từ hạ tầng, ngành du lịch sẽ không chỉ phục hồi nhanh sau đại dịch mà còn tăng trưởng bền vững về lâu dài.
Hà Nội và các địa phương đang đứng trước một cơ hội lớn để xây dựng hệ sinh thái du lịch vùng. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là động lực quan trọng đưa du lịch Việt Nam chuyển từ “tăng trưởng số lượng” sang “tăng trưởng chất lượng” - nền tảng để phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt.
Bình luận