Loạt giải pháp được đưa ra nhằm “phá băng” thị trường bất động sản
Hàng loạt giải pháp cứu bất động sản được đề xuất “Phá băng” thị trường bất động sản: Tìm điểm cân bằng lợi ích Chủ đầu tư bất động sản có thể phải giảm giá sản phẩm trên diện rộng trong 2023 |
Cần khắc phục tâm lý sợ sai
Báo cáo trước Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết nửa cuối 2022 và đầu 2023, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn như nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn dẫn đến dừng triển khai dự án, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, an sinh xã hội.
Theo ông Sinh, có 4 nhóm nguyên nhân điển hình bao gồm vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật; nguồn vốn; tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương và sự lan truyền các thông tin tiêu cực.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, nghị định quy định trình tự, thủ tục triển khai các dự án và trình Chính phủ xem xét thông qua các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Đặc biệt, Bộ đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giao đất, phát triển quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, quyền lợi của chủ đầu tư, xác định giá bán, giá cho thuê, cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đồng thời đề xuất tạo điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn (bao gồm phát hành trái phiếu) trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, ở từng địa phương, Bộ kiến nghị nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ nhằm khắc phục tâm lý sợ sai.
Bên cạnh đó, khẩn trương lập danh mục các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để tập trung tháo gỡ khó khăn.
Song song đó, Bộ Xây dựng kiến nghị kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng cường xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin không chính xác này.
Doanh nghiệp xin cơ chế để tự vượt qua
Tại Hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang có vướng mắc nổi cộm như thủ tục pháp lý phê duyệt các dự án còn chậm, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phát hành được.
“Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản có liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề kinh doanh và các chuỗi cung ứng khác, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người lao động cũng như mang lại nguồn thu lớn cho Nhà nước...”, ông Hoa nói.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Theo lãnh đạo Vinhomes, hiện nay, nhu cầu sở hữu nhà của người dân rất lớn trong khi nguồn cung quá thấp chưa đáp ứng được thị trường, diện tích sàn bình quân trên một người tại Việt Nam chưa đạt yêu cầu.
“Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung nhà ở sẽ càng thiếu hụt”, ông Hoa nhấn mạnh.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland cũng cho biết sau 2 năm Covid-19, các doanh nghiệp đã bị bào mòn cộng thêm sự bất ổn của thế giới hay lạm phát tăng cao, Chính phủ đã ra các đối sách và ngay lập tức tác động mạnh đến doanh nghiệp.
“Để đối phó với tác động của dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản”, ông Nhơn nói.
Lãnh đạo Novaland khẳng định trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua. Cụ thể, Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị: Xin Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; Chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
“Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay, nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...”, ông Nhơn đề xuất.
Ông Nhơn cho biết hiện Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, lãnh đạo Novaland đề xuất giảm lãi suất cho vay, ngân hàng giảm biên lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65. “Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm”, ông Nhơn nói thêm.
Cần xem nhà ở là nhu cầu thiết yếu
Tiến sĩ (TS) Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. Khác với Trung Quốc đang đối diện khủng hoảng thừa do nguồn cung bỏ xa nhu cầu nhà ở của người dân, tại Việt Nam nhu cầu nhà ở vẫn chưa được đáp ứng.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. (Ảnh: VGP) |
Để xây dựng chính sách bất động sản bền vững, ông Nghĩa cho rằng cần dựa trên nền tảng quan điểm đất đai là tài nguyên quý hiếm và nhà ở là nhu cầu thiết yếu.
“Không thể để cho các nhà phát triển bất động sản mua gom, tích trữ đất đai, tài sản với nguồn lợi nhuận khổng lồ trong tương lai trong khi nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông, những vấn đề của thị trường bất động sản đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp. Điều này đi ngược lại với mục tiêu đưa nước ta thành nước phát triển, thu nhập cao năm 2050. Về nguồn vốn tín dụng, ông cho rằng hạn mức không thiếu, nhưng vấn đề là các ngân hàng thương mại đang không tin tưởng nhau, không tin tưởng doanh nghiệp.
“Trong thị trường tài chính, quan trọng nhất là lòng tin. Đây cũng mấu chốt, là “tử huyệt” với thị trường trái phiếu hiện nay”, TS Nghĩa nói.
Do đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, cần nghiên cứu vấn đề bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, do ngân hàng quốc doanh hay tổ chức tín dụng uy tín đứng ra bảo lãnh. Mặt khác, ông cho rằng cần sớm có quy định rõ ràng về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
Theo ông, thị trường luôn có chu kỳ, sớm muộn cũng xảy ra khủng hoảng. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động tái cấu trúc, đảm bảo nền tảng tài chính tốt và từ bỏ thói quen kinh doanh chộp giật. Ngoài ra, TS Nghĩa cũng kiến nghị bỏ cơ chế về nhà ở xã hội, thay vào đó xây dựng cơ chế mới về nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời đánh thuế đầu cơ nhà ở. Chính quyền các địa phương phải quyết đoán trong khâu quyết định giá giá đền bù.
Bình luận