Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam
Khách quốc tế đánh giá cao chất lượng quả vải thiều của Việt Nam Đưa vải thiều vươn ra thế giới Triển lãm số quảng bá nông sản vải thiều tới thị trường quốc tế |
Tuân thủ đúng quy trình, đáp ứng thị trường quốc tế
Vải thiều là loại quả nhiệt đới được người dân Việt Nam và khách quốc tế ưa thích. Hiện vải thiều Việt Nam nổi tiếng với hai vùng trồng vải: vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam" |
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Năm nay, Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Hiện nay, vải thiều Việt Nam đã có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chia sẻ về điểm khác biệt trong quy trình canh tác đối với những lô hàng vải thiều xuất khẩu đi các nước châu Âu và Mỹ so với canh tác truyền thống, tại tọa đàm “Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân, tỉnh Bắc Giang cho biết, ở mô hình truyền thống, bà con nông dân sản xuất theo quy trình tự nhiên, thậm chí không theo quy trình nào. Còn hiện nay, khi vải thiều xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, người nông dân phải tuân theo quy định của bên nhập khẩu cùng với các quy trình VietGap, GlobalGap.
Về quy trình kỹ thuật chăm sóc, đòi hỏi vườn trồng vải phải sạch, không có dịch bệnh, ô nhiễm, không chăn thả quanh vườn trồng, sử dụng phân bón hữu cơ. Đặc biệt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải áp dụng phương pháp 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng quy trình.
Về phương pháp thu hoạch phải tuân thủ vệ sinh, dụng cụ thu hoạch phải sạch sẽ không có tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, tất cả các quy trình đều phải có nhật ký ghi chép lại và chịu sự quản lý của các ngành chức năng đến kiểm tra, giám sát.
Vải thiều Việt Nam được khách quốc tế đánh giá cao về chất lượng, độ tươi ngon |
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đúng quy trình và bảo quản quả vải tươi ông Dũng cho biết, những năm 2007 khi mới áp dụng quy trình Vietgap, Hợp tác xã phải động viên bà con không chăn nuôi hoặc chuyển chăn nuôi sang khu vực khác để không ảnh hưởng vườn trồng. Bên cạnh đó bà con nông dân gặp khó khăn trong cách ghi chép nhật ký cũng như sử dụng thuốc đúng liều lượng...
“Chúng tôi gặp khó khăn trong quy trình bảo quản. Hiện nay chúng tôi đã được hỗ trợ kho để vận chuyển, sơ chế tuy nhiên để có thể bảo quản trong trường hợp vải chín chưa tiêu thụ hết, chúng tôi mong muốn có các phương pháp chuyên sâu hơn như hệ thống sấy lạnh hoặc sấy công nghệ cao để khi xong vụ vẫn còn sản phẩm để xuất cho khách”, ông Dũng bày tỏ mong muốn.
Phát triển các sản phẩm chế biến từ trái vải
Ở góc độ khác, với vai trò là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng đặc sản nông sản trong đó có vải thiều, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AMEII Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính tươi ngon của sản phẩm và đến tay khách hàng nhanh nhất”.
Theo đó, các chương trình liên kết với bà con nông dân được thực hiện chặt chẽ. Công ty tổ chức chuỗi liên kết, hình thành Hợp tác xã, đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc để tạo nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn nhất từ đó giúp sơ chế, chế biến, bảo quản phù hợp với các thị trường.
Cùng với quả vải thiều tươi Việt Nam còn có các sản phẩm chế biến từ trái vải |
Cùng đó, doanh nghiệp đảm bảo thời gian thu hoạch, vận chuyển về nhà máy nhanh nhất để đảm bảo độ tươi của vải. Theo đó vải thường được thu hoạch vào sáng sớm, ngay sau khi thu hoạch sẽ đưa vào đóng gói, chế biến để giữ nguyên độ tươi ngon, giá trị dinh dưỡng. Công ty tổ chức công nghệ sơ chế, chế biến, căn cứ vào từng thị trường tiêu thụ để mỗi thị trường sẽ có sự điều chỉnh khác nhau, phù hợp hơn khi đưa sản phẩm tới khách hàng.
Có thể khẳng định tiềm năng xuất khẩu vải thiều của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên hiện nay để vải thiều vươn ra thế giới các vùng trồng vải như tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các doanh nghiệp vẫn đang gặp một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất trong việc tiêu thụ vải thiều tươi ra thị trường quốc tế là thời gian bảo quản ngắn, do đó một số ý kiến cho rằng bên cạnh xuất khẩu vải thiều tươi có thể đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến từ trái vải như vải thiều đóng hộp, vải thiều sấy khô.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, các đơn vị, tổ chức hiện nay chỉ tập trung vào quả vải tươi tuy nhiên, số lượng được phép xuất khẩu chưa cao do thời gian bảo quản chỉ tối đa 40 ngày. Trong thời gian ngắn đó rất khó để đưa vải đến các thị trường xa hơn. Vì vậy, địa phương, người dân và doanh nghiệp cần có sự đồng bộ giải pháp phát triển và cải thiện sản phẩm xuất khẩu.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang tập trung vận chuyển vào hàng không và đường thủy tuy nhiên vận chuyển đường thủy gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thị trường xa. Do đó, các doanh nghiệp có thể nghĩ đến đến đường sắt để hướng tới thị trường châu Âu.
“Một lợi thế khác là không chỉ có quả vải tươi, chúng ta có nhiều sản phẩm chế biến từ vải thiều có khả năng bảo quản dài hơn như quả đông lạnh hay sản phẩm đóng hộp... qua đó đưa ra sự lựa chọn đa dạng hơn cho khách hàng. Điều quan trọng nhất là các cơ sở vẫn giữ được hồn cốt của sản phẩm và được sản xuất bằng công nghệ hiện đại”, ông Hưng cho biết thêm.
Bình luận