Ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp Cần có hành động cụ thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp Làm giàu từ phát triển mô hình trang trại tổng hợp

Phát huy kinh tế du lịch - giáo dục

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 12km, tách biệt với những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, trang trại Vạn An - Hải Đăng (xã Yên Mỹ, huyện Thành Trì, Hà Nội) là địa điểm được các em nhỏ và du khách yêu thích bởi nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn. Nơi đây cũng là tâm huyết của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, người từng “lăn lộn” nhiều năm để cải tạo đất hoang hóa ven sông Hồng trở thành một trang trại kinh tế tổng hợp.

Hàng năm, trang trại Vạn An - Hải Đăng đón tiếp hàng vạn học sinh phổ thông đến tham gia trải nghiệm hoạt động nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, trải nghiệm làng nghề và kỹ năng sống. Chia sẻ về hướng đi này, bà Thanh Hằng cho biết, năm 2013, đón nhận chủ chương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, bà đã xây dựng thành công Trang trại học đường, làm nơi trải nghiệm thực tế chủ yếu về ngành nông nghiệp, giúp cho học sinh hiểu biết tầm quan trọng của ngành nông nghiệp tới cuộc sống và sự phát triển của đất nước, tự tin lựa chọn ngành nông nghiệp cho tương lai của mình.

Mô hình kinh tế trang trại nổi bật của Hà Nội
Trang trại học đường đón nhiều học sinh tham quan, trải nghiệm. (Ảnh: BT)

Trang trại học đường được chia thành nhiều chương trình hấp dẫn. Trong đó, chương trình dành cho các bé mầm non, tiểu học, các em được trồng rau, đào khoai, bắt cá, chăm sóc vật nuôi, học phương pháp thủy canh, trồng nấm, nặn gốm, nặn tò he, làm tranh Đông Hồ, thư pháp. Cùng với đó là các trò chơi trí tuệ, vận động như kéo co, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập chiêng, nhảy dân vũ. Đến đây các em nhỏ rất thích thú say mê bởi còn được thưởng thức ẩm thực đồng quê, tham quan chợ quê, đi du thuyền, cưỡi ngựa.

Còn đối với các chương trình dành cho học sinh, sinh viên, các bạn trẻ được tham gia các trò chơi vận động, trò chơi dân gian như trượt cáp qua sông, thi đi qua cầu khỉ, cầu dây qua hồ, thi bơi thuyền, đuổi bắt vịt, bắt ốc, bắt cá dưới hồ ao. Các bạn còn được trổ tài nấu ăn với việc chế biến sản phẩm thu hoặc được như luộc ốc, nướng cá, hấp cá với các loại rau gia vị hái trong vườn và tham gia giao lưu văn nghệ, team building.

Trang trại còn là nơi có những cánh đồng hoa bạt ngàn khoe sắc, học sinh và du khách còn có thể thăm quan, cho cá ăn, chụp ảnh và đặc biệt là trải nghiệm khu trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh công nghệ 4.0 của Israel. Khung cảnh lung linh, rất nhiều góc “sống ảo” là một trong những đặc điểm hấp dẫn đối với giới trẻ và khách du lịch. Ngoài ra, nơi đây còn có các chương trình dành cho gia đình, tập thể.

Mô hình kinh tế trang trại nổi bật của Hà Nội
Trò chơi dân gian giúp học sinh thư giãn. (Ảnh: BT)

Giới thiệu thêm về một hoạt động hấp dẫn khác của trang trại, bà Thanh Hằng cho biết: “Xưởng gốm tại trang trại Hải Đăng là một không gian thoáng, rộng rãi cho các bạn nhỏ trải nghiệm làm gốm. Đến với xưởng gốm Hải Đăng, các em cũng như thầy cô, bố mẹ sẽ được các nghệ nhân gốm giới thiệu về truyền thống, lựa chọn đất cũng như tự tay làm ra những món đồ mà mình yêu thích. Hoạt động làm gốm này sẽ giúp cho các bạn nhỏ rèn luyện được sự khéo léo, sự tập trung và tỉ mỉ là những kỹ năng rất cần thiết trong học tập cũng như trong cuộc sống của bản thân”.

Là một người yêu trẻ, doanh nhân Thanh Hằng dành trọn tâm huyết cho việc cải tạo các khu vui chơi, sáng tạo nhiều trò chơi dân gian để mỗi em nhỏ tới đây đều mang về một chút hành trang tươi đẹp và có ý nghĩa cho cuộc sống.

Gìn giữ gen ngựa bạch quý hiếm

Ít ai biết, trước khi đến với giáo dục trải nghiệm, bà Thanh Hằng đã từng là một trong những nhà nghiên cứu nông nghiệp, đóng góp không nhỏ vào việc nghiên cứu, nuôi dưỡng, thuần hóa, lai tạo thành công giống ngựa bạch quý hiếm đang ngày càng mai một.

Mô hình kinh tế trang trại nổi bật của Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đang kiểm tra nấm đông trùng hạ thảo tại trang trại. (Ảnh: BT)

Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, hiện nay trang trại đã có hàng trăm con ngựa bạch, trong đó 50% là ngựa bạch cái sinh sản. Số lượng ngựa con sinh ra tại trang trại tăng dần từng năm, góp phần gìn giữ gen ngựa bạch quý hiếm. Vạn An cũng là nơi cung cấp ngựa bạch giống và hướng dẫn quy trình chăn nuôi cho bà con, là nơi cung cấp con giống chuẩn và giúp đỡ về mặt kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho nhiều trang trại trong cả nước (như các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai châu, Bắc Giang, Thái Bình, Vũng Tàu).

Đặc biệt, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, trang trại đã tìm ra được những phác đồ điều trị các bệnh của ngựa một cách hiệu quả nhất. Bà Thanh Hằng cũng hướng dẫn, giúp đỡ những gia đình nuôi ngựa khi ngựa bị bệnh, hạn chế thiệt hại kinh tế cho bà con chăn nuôi ngựa. Hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăn nuôi ngựa sinh sản để nâng tỷ lệ sinh sản của ngựa bạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và xã hội.

Cùng với chăn nuôi, bà đã phối kết hợp với các đơn vị như Trung tâm chuyển giao công nghệ thú y Hội Thú y Việt Nam, bộ môn sinh vật Khoa sinh học trường Đại học khoa học tự nhiên, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Thú y chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam,... để nghiên cứu phát triển những loại giống thực vật có giá trị kinh tế cao (nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi đỏ, các loại cây dược liệu….)

“Chúng tôi cũng đã đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín để chế biến nông sản của trang trại thành nhiều loại: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Toàn bộ sản phẩm của trang trại đều đạt chuẩn IZO22000 và IZO14001. Tháng 11/2020 trang trại đã đưa 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và cả 5 sản phẩm đều đạt 4 sao, 5 sao”, bà Thanh Hằng tự hào chia sẻ.

Mô hình kinh tế trang trại nổi bật của Hà Nội
Trang trại nuôi ngựa giống Vạn An (Ảnh: BT)

Với những sản phẩm hữu cơ từ trang trại, Vạn An đã đạt Huy chương Vàng và chứng nhận danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, Huy chương Vàng và danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng; Cúp Vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng; Cúp Vàng vì sức khỏe người Việt lần thứ I của Bộ Y tế và Tổng Hội Y tế.

Nhưng có lẽ, điều mà bà Thanh Hằng tâm huyết nhất chính là việc mang lại công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. Trong đó có nhiều nông dân đã hết tuổi lao động nhưng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người tàn tật và thương bệnh binh. Không chỉ với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, trang trại còn hỗ trợ chỗ ăn, ở, điện, nước cho người làm công có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, trang trại cũng tạo việc làm thêm cho hàng trăm sinh viên học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội với mức thu nhập trên 250 đồng/ngày, góp phần giảm bớt khó khăn kinh tế cho gia đình và giảm bớt các tệ nạn xã hội. Là một chủ doanh nghiệp năng nổ, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng còn tích cực tham gia phong trào địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trong 2 năm (2020, 2021) mặc dù dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng trang trại vẫn duy trì hoạt động để đảm bảo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức lương thấp nhất hàng tháng đạt 6 triệu đồng/tháng.

Với sự nỗ lực phấn đấu, lao động không mệt mỏi, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hằng đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2020), nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2013) và 3 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011, 2016, 2019). Bà cũng được tặng nhiều Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, VCCI, Hội Thú Y Việt Nam và Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam. Đặc biệt, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hằng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt; danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố giai đoạn 2015-2019 và các năm 2020, 2021; cùng nhiều khen thưởng của huyện Thanh Trì và xã Yên Mỹ.

Bảo Thoa