Mở rộng đô thị Hội An là thiết yếu, nhưng hết sức cẩn trọng
Du lịch Việt khẳng định thương hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” Nhiều điểm đến Việt Nam tiếp tục dẫn đầu châu Á Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi ấn tượng |
“Hội An là đô thị đặc biệt, nên việc phát triển, mở rộng là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng”. Ảnh: LHS |
Hội An đã... quá chật
Thương cảng Hội An được hình thành từ thế kỷ thứ XVI, XVII, từng là một trong những điểm giao thương buôn bán sôi động nhất xứ Đàng Trong thời nhà Nguyễn.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, có thời điểm Hội An bê trễ trong hoang phế, điêu tàn... Nhưng rồi, ít ai có thể hình dung, đến thời điểm này Hội An lại là nơi thu hút đông đúc khách du lịch bậc nhất cả nước, với nhiều du khách quốc tế. Cao điểm (năm 2019) Hội An đó trên 5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, quy mô của khu đô thị cổ vẫn giữ nguyên như nhiều thế kỷ trước, nên Hội An đông vui, nhưng luôn bí bách, chật chội, quá tải. Nhất là những dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch.
Dù trong vòng 20 năm gần đây, thị xã Hội An (nay là TP.Hội An) luôn được nới rộng, hình thành mới nhiều khu dân cư, khu đô thị hiện đại ở vùng ven, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế.
Trong dự thảo về Nghị quyết xây dựng phát triển Hội An vừa mới công bố đầu tháng 9.2022, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhận định, hiện Hội An vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Năng lực quản lý, điều hành, khả năng dự báo trong quy hoạch, đầu tư chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tài nguyên du lịch chưa được khai thác, phát huy tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Tình trạng quá tải về mật độ dân số, giao thông, hạ tầng, rác thải… tạo áp lực lớn trong việc xây dựng và phát triển thành phố.
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An chưa bền vững, thiếu tính chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Công tác bảo tồn, phát huy di sản, bản sắc văn hóa gặp nhiều trở ngại, thách thức, đối diện với nguy cơ mất cân bằng trong phát triển. Bên cạnh đó, sự tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, thiên tai, biến động khó lường về tình hình kinh tế, chính trị quốc tế, dịch bệnh, bùng nổ kỷ nguyên số… đặt ra cho TP.Hội An nhiều thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển thời gian đến...
Cẩn trọng khi “đụng” đến Hội An
Mục tiêu mà dự thảo Nghị quyết về “xây dựng và phát triển TP.Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch” mà Quảng Nam vừa đưa ra thảo luận, là đến năm 2025 thành phố này có những tiêu chí tương đương đô thị loại II, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của tỉnh.
Hội An sẽ đạt mức dân số tối thiểu 200.000 người, tối thiểu 65% lao động phi nông nghiệp, đáp ứng tốt hệ thống cảnh quan, đô thị và hạ tầng kỹ thuật...
Ông Nguyễn Sự - nguyên lãnh đạo Hội An - cho biết, ý tưởng mở rộng Hội An là không mới. Từ thời chưa tách tỉnh (trước 1997), lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cũng đã từng đặt vấn đề. Thậm chí ranh giới mở rộng đã được hoạch định sẽ kéo dài đến tận xã Duy Vinh (thuộc huyện Duy Xuyên) - phía nam Hội An. Phía bắc, sẽ mở rộng ra hết phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, gần giáp với TP.Đà Nẵng...
Tuy nhiên, theo ông Sự, mở rộng đô thị Hội An luôn là “vấn đề lớn”, cần nghiên cứu cẩn trọng. Bởi, những giá trị văn hóa và cả kinh tế du lịch mà Hội An mang lại như hiện nay không chỉ là đô thị cổ, mà bao gồm về không gian sinh thái rộng lớn quanh đô thị, là con người, là lối sống nhân tình thuần hậu... Những giá trị văn hóa phi vật thể, cần có một không gian phù hợp để tồn tại.
Mở rộng Hội An để ứng phó với biến đổi khí hậu, với quá tải dân số, du khách, giải quyết hàng loạt vấn đề về giao thông, giáo dục, rác thải, môi trường... là cần thiết, nhưng hết sức cẩn trọng.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cũng thừa nhận thực trạng Hội An hiện quá chật hẹp, đặt ra nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển.
Xây dựng một Nghị quyết để phát triển Hội An giai đoạn mới là cần thiết, nhưng ông Thanh cũng rất băn khoăn khi đặt vấn đề mở rộng đô thị này. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị thận trọng, nghiên cứu kỹ thêm nữa.
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - cũng đắn đo trước ý tưởng mở rộng đô thị Hội An.
Trao đổi với Lao Động, ông Dũng cho biết: “Ngoài những giá trị văn hóa, kiến trúc vật thể... của đô thị cổ mà UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, thì Hội An là đô thị đặc biệt. Vì vậy, xây dựng phát triển Hội An là cần thiết, nhưng phải có một “Nghị quyết đặc biệt”. Tôi đã đề nghị đưa công tác bảo tồn lên trước hết. Phải là bảo tồn (các giá trị văn hóa) - rồi mới đến thứ tự ưu tiên là phát triển văn hóa - sinh thái rồi mới đến du lịch. Vì vậy, hiện lãnh đạo Quảng Nam đề nghị giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chấp bút, xây dựng lại đề án. Đây là vấn đề lớn, phải là Nghị quyết của Tỉnh ủy (chứ không phải thuộc Thường vụ như dự thảo hiện nay)”.
Theo Thanh Hải/laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/mo-rong-do-thi-hoi-an-la-thiet-yeu-nhung-het-suc-can-trong-1092630.ldo
Bình luận