Mở tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến cảng Chân Mây
Hãng tàu Maersk Line chính thức mở tuyến cố định tới CICT Cái Lân TP.HCM: Đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế container khu bến Cần Giờ |
Qua đó, đánh dấu việc mở ra tuyến dịch vụ vận tải mới, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.
Nhiều tiềm năng và lợi thế của cảng Chân Mây
Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong những cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.
Cảng nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền trung (Huế và Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân - Vườn quốc gia Bạch Mã), đô thị du lịch quốc gia Huế và là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tại buổi khai trương, cảng Chân Mây đã đón chuyến tàu container Hải An View với sức chứa 1.577 TEU, mở ra tuyến dịch vụ vận tải container Hải Phòng - Chân Mây (Thừa Thiên Huế) - TP Hồ Chí Minh, định tuyến 2 chuyến/ tuần của hãng tàu Hải An. Sự kiện này đánh dấu việc mở ra tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến Chân Mây.
Ấn nút khai trương tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây. |
Ông Dương Bá Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần cảng Chân Mây, cho biết, sự kiện khai trương tuyến dịch vụ vận tải container khẳng định tiềm năng và lợi thế của cảng Chân Mây.
Cảng đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ bảo đảm các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất.
Theo ông Hòa, việc triển khai dịch vụ vận tải container, mở đường định tuyến nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho các doanh nghiệp.
Thời gian tới, cảng Chân Mây chủ trương đầu tư mở rộng diện tích kho bãi chứa container, đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư các thiết bị chuyên dụng, ứng dụng các phần mềm quản lý khai thác cảng, khai thác hàng container… để nâng cao năng suất đáp ứng các tiêu chí của các hãng tàu.
Cùng đó, cảng tiếp tục xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng khai thác hàng container khi lượng tàu và hàng hóa gia tăng.
Cảng Chân Mây đón chuyến tàu container đầu tiên Hải An View với sức chứa 1.577 TEU. |
Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics
Ghi nhận, biểu dương sự đồng hành của Công ty Hải An tiên phong mở tuyến, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho rằng: Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá, góp phần thúc đẩy, phát triển cảng Chân Mây và cả Thừa Thiên Huế; tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khu vực bắc miền trung và nước bạn Lào cũng như tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Để tuyến vận tải này bảo đảm duy trì và hoạt động tốt hơn nữa, ông Phan Quý Phương đề nghị, trong thời gian tới, cảng Chân Mây sớm hoàn thành các hạng mục và lộ trình đầu tư bổ sung các dịch vụ bảo đảm khai thác hàng container trong giai đoạn tiếp theo; nhất là phải có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ các hãng tàu, các khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao;
Tổ chức dịch vụ logistic tốt và hiệu quả góp phần giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp; tiếp tục phát triển đồng bộ hạ tầng, xây dựng trở thành cảng hiện đại, tự động hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để tăng lợi thế cạnh tranh dịch vụ logistics quốc tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương phát biểu tại buổi lễ khai trương. |
Khi hãng tàu Hải An đi vào hoạt động ổn định tại cảng Chân Mây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập hàng hóa trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận và nước bạn Lào tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa; đóng góp vào ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giảm tải cho các phương tiện giao thông đường bộ, thúc đẩy thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Quý Phương cũng đề nghị, Ban quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, các sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải và đối tác cùng hợp tác, chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng; là trung tâm kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho miền trung.
Trong đó, cần ưu tiên, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, như: Hệ thống giao dịch không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch trực tiếp, phát triển hệ thống cổng thông tin E-logistics…
Cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, hội đủ các điều kiện và có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, đông bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Là cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền quốc tế khu vực châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á, cảng Chân Mây nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hồng Công (Trung Quốc); hội đủ các điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho Thừa Thiên Huế và cả nước. |
Theo CÔNG HẬU/nhandan.vn
Bình luận