Nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển ngành bán dẫn |
Ngành công nghiệp bán dẫn (hay còn gọi là vi mạch) là tập hợp các thành phần tham gia vào lĩnh vực thiết kế cũng như chế tạo ra toàn bộ các linh kiện, thiết bị điện tử. Linh kiện, thiết bị điện tử là thứ không thể thiếu và đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023, và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia.
Hội thảo về định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức. |
Mới đây, phát biểu tại Hội thảo về định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Cương Hoàng - Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel cho biết, ngày nay, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều được vận hành dựa trên những con chip nhỏ - từ điện toán, viễn thông, ngân hàng, bảo mật, chăm sóc sức khỏe, thiết bị gia dụng đến vận tải (đặc biệt là xe điện), sản xuất, giải trí và nhiều lĩnh vực khác. Các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật, dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính và xe tự lái… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn.
Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, ngành bán dẫn có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030 (theo Gartner). Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
“Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghệ bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển”, ông Nguyễn Cương Hoàng nhấn mạnh.
Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ông Nguyễn Cương Hoàng cũng đã đưa ra một số khuyến nghị. Cụ thể, về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn, thiết lập các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu phát triển; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ ngành công nghệ bán dẫn; cần xây dựng và thực thi chính sách ưu đãi thuế, cung cấp các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, chuyển giao công nghệ và đầu tư từ các tập đoàn, công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới cho các doanh nghiệp trong nước; là cầu nối kết nối các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước thông qua các diễn đàn, hội nghị tổ chức tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, cần đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, các công nghệ cho ngành công nghiệp phụ trợ để đón đầu xu hướng, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu từ phòng Lab tới thực tiễn.
Mở rộng quan hệ đối tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý.
Ảnh minh họa. |
Cũng tại Hội thảo về định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.
Thời gian qua, nhiều Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được xây dựng và bắt đầu triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược, tiêu biểu là: Chương trình Sản phẩm quốc gia, chương trình KC 4.0/19-25 về các công nghệ tiêu biểu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình KC.03/21-30 về cơ khí tự động hoá, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục triển khai thông qua Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước bằng NSNN”.
Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.
K.Tiến
Bình luận