Thủ tướng yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất Nhiều tín hiệu tốt từ thị trường và dịch vụ tài chính CPI tháng 11 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm ngoái

Các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của Mỹ đang hướng tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực đầu tư bán dẫn. Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023, bà Sophorn Chaeng, Giám đốc phụ trách kinh tế doanh nghiệp bang Oregon nhận định, năm 2024, chuỗi cung ứng bán dẫn là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa hai bên.

Theo bà Sophorn Chaeng, Mỹ cam kết đầu tư 240 triệu USD vào lĩnh vực bán dẫn đã tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước. Oregon là một trong những bang có thế mạnh về bán dẫn và giáo dục đào tạo, trong đó có khoảng 50 nghìn người làm việc trong lĩnh vực bán dẫn, các trường đại học tập trung đào tạo nguồn nhân lực này.

Bên cạnh đó, bà Sophorn Chaeng đề cập hai lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng phát triển là năng lượng tái tạo và năng lượng. Oregon là một trong những bang tiên phong thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác ở hai lĩnh vực nói trên.

Cụ thể hơn về lĩnh vực bán dẫn, ông Daniel Nguyen, Phó Chủ tịch Ủy ban về phát triển kinh tế và doanh nghiệp nhỏ, Thành viên Ủy ban bán dẫn Hạ viện bang Oregon đánh giá: Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển chất bán dẫn. Trong khoản đầu tư 240 triệu USD được Mỹ dành để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn, có 40 triệu USD được dành riêng để đầu tư vào dự án mới liên quan đến lĩnh vực này.

Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển ngành bán dẫn
70% sản lượng chip Intel sản xuất phục vụ khu vực đến từ nhà máy Intel tại Việt Nam.

Ông Daniel Nguyen cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, huy động nguồn lực tư nhân, đặc biệt tận dụng nguồn lực để phát triển công nghiệp bán dẫn. Theo ông Daniel Nguyen, trong thời gian tới sẽ làm việc với một số trường đại học của Việt Nam như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để thúc đẩy đào tạo lực lượng lao động; kết nối trường đại học, viện đào tạo với doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.

Việt Nam là đối tác thương mại thứ 7 của Mỹ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 125 tỷ USD. Mỹ đồng thời là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Với nền tảng như vậy, cho phép chúng ta kỳ vọng vào tương lai sáng lạn về thương mại, kinh tế giữa hai nước.

Tuy nhiên, Mỹ cũng là thị trường khó tính, cạnh tranh cao với nhiều đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp Đại học Fulbright của Mỹ tại Việt Nam đánh giá, điều này vừa là thách thức vừa tạo ra cơ hội, tạo ra nhiều không gian và dư địa xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội này không chỉ đến với những ngành hàng xuất khẩu truyền thống như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ - những lĩnh vực Việt Nam vốn có thế mạnh và nguồn nhân lực dồi dào mà còn đến ở những lĩnh vực hợp tác mới như công nghệ cao.

Đặc biệt, chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là các tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Sự chuyển hướng này cũng phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư chất lượng của Việt Nam. Đó là sự chuyển hướng thu hút đầu tư FDI từ những ngành thâm dụng lao động sang những ngành thâm dụng công nghệ - vốn là thế mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Những lĩnh vực, dự án công nghệ cao, điện tử bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trung tâm tài chính, những lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D)… được Việt Nam mong muốn mời gọi các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.

Bảo Thoa